Nhiễm Helicobacter pylori trên trẻ em từ 6 tháng đến 15 tuổi tại các dân tộc Tây Nguyên
Nhiễm H.Pylori đến nay đã được xác định là nguyên nhân chủ yếu gây các bệnh lý mạn tính tại đường tiêu hóa trên (viên dạ dày mạn, ung thư dạ dày, loét dạ dày – tá tràng. H.Pylori là vi khuẩn có tỷ lệ lây nhiễm phổ biến nhất trên thế giới. Tại các nước công nghiệp phát triển, trung bình có khoảng 20 – 30% dân số bị nhiễm khuẩn này và tăng nhanh tới trên 50% ở tuổi 60 [5]. Các nghiên cứu về dịch tễ học cũng cho thấy tình hình nhiễm H.Pylori ở trẻ dưới 15 tuổi tại các nước châu Âu là 35 – 50% và tại 14 nước đang phát triển là 80% [3]. Ở miền Bắc Việt Nam, Nguyễn Văn Bàng nghiên cứu trên 824 trẻ dưới 15 tuổi thấy tỷ lệ nhiễm H.Pylori là 34% [1]. Tại Việt Nam, đa số các nghiên cứu tập trung mô tả về tỷ lệ nhiễm H.Pylori trong nhóm đối tượng có biểu hiện bệnh lý tiêu hóa và tác dụng của các phác đồ tiêu diệt H.Pylori. Về mặt sức khỏe cộng đồng việc nghiên cứu các trường hợp biểu hiện bệnh lý tại bệnh viện chưa cho phép các nhà quản lý sức khỏe có cơ sở xây dựng một chiến lược phòng chống bệnh viêm dạ dày mạn tính, loét dạ dày tá tràng và ung thư dạ dày do H.Pylori.
Gần đây, đã có một số nghiên cứu về nhiễm H.Pylori ở trẻ em Việt Nam. Những nghiên cứu này bước đầu đã đánh giá được tỷ lệ nhiễm H.Pylori của trẻ em Việt Nam. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào trên trẻ em các dân tộc Tây Nguyên. Nghiên cứu này của chúng tôi được thực hiện với mục tiêu: mô tả thực trạng nhiễm H.Pylori ở trẻ em từ 6 tháng đến 15 tuổi ở một số dân tộc Tây Nguyên năm 2011.
II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP
1. Đối tượng
Là trẻ em từ 6 tháng đến 15 tuổi hiện đang sống tại các tỉnh Tây Nguyên, bao gồm các dân tộc: K’Ho, Raglai, Ê đê và dân tộc Kinh. Tiêu chuẩn loại trừ khỏi nghiên cứu này bao gồm: những trẻ em < 6 tháng tuổi do có thể còn mang kháng thể kháng H.Pylori từ mẹ và trẻ em dùng thuốc tiêu diệt H.Pylori để điều trị bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng trong vòng 1 năm trở lại đây.
2. Phương pháp
Là một thiết kế nghiên cứu mô tả cắt ngang ngang nhằm đánh giá thực trạng nhiễm H.Pylori ở trẻ em các dân tộc Tây Nguyên năm 2011. Cỡ mẫu để ước lượng một tỷ lệ nào đó trong quần thể theo công thức sau: n = Z2 (1-a/2) . p(1-p)/d2, trong đó p là tỷ lệ ước tính, chọn p = 40% từ kết quả các nghiên cứu trước đây tại Việt Nam; d = 3% là tỷ lệ sai lệch cho phép giữa tỷ lệ thu được từ mẫu và tỷ lệ của quần thể. Số trẻ cần nghiên cứu ước tính được là 1186.
Nghiên cứu chọn 3 tỉnh Lâm Đồng là nơi tập trung tộc người K’ho, Gia Lai là nơi tập trung tộc người Raglai và Đaklak là nơi tập trung tộc người Ê đê. Chọn địa điểm ngẫu nhiên bằng cách thống kê tất cả các thôn bản có số hộ dân tập trung trên 100 gia đình dân tộc, sau đó bắt thăm để chọn một số địa điểm đủ để thu thập số liệu cho mỗi dân tộc.
Huyết thanh tách chiết từ 2 – 5ml máu tĩnh mạch trong vòng 6 giờ đầu, được vận chuyển trong bình lạnh đựng vắc-xin, cất giữ ở nhiệt độ -20oC đến khi xét nghiệm. Xét nghiệm huyết thanh học định lượng kháng thể IgG kháng H.Pylori theo phương pháp ELISA, với kháng nguyên sản xuất từ các chủng H.Pylori lấy từ người Việt Nam và Thụy Điển, do Viện Y học Karolinska sản xuất, được tiến hành tại phòng Vi khuẩn đường ruột, viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương [5]. Số liệu được thu thập và phân tích trên phần mềm SPSS 16.5. Nghiên cứu được thực hiện trên những đối tượng tự nguyện tham gia và những trẻ em nhiễm H.Pylori được thông báo cho gia đình và cơ sở y tế để theo dõi, tiến hành chẩn đoán và điều trị nếu có biểu hiện bệnh.
Nghiên cứu được thực hiện nhằm mô tả thực trạng nhiễm Helicobacter pylori ở trẻ em năm 2011. Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ hiện nhiễm H.Pylori ở trẻ em tại Tây Nguyên là 40% (38,5% ở trẻ trai, 41,1% ở trẻ gái, p > 0,05). Nhiễm H.Pylori tăng dần theo độ tuổi: dưới 1 tuổi nhiễm H.Pylori là 23,8%, từ 1 đến dưới 2 tuổi là 29,5%, từ 3 đến dưới 5 tuổi là 36,8%, từ 5 đến dưới 10 tuổi là 42,6% và ở độ tuổi từ 10 – 15 tuổi là 51,5%. Tỷ lệ nhiễm H.Pylori ở trẻ dân tộc Kinh là 35,2%, ở trẻ em người K’ho là 35,5%, ở trẻ em người Ê đê và Raglay là 47,6% và 47,5%. Trẻ em sống ở Lâm Đồng có tỷ lệ nhiễm H.Pylori là 35,5%), ở trẻ em Đaklak là 42,5% và ở trẻ em Gia Lai là 47,9%. Từ đó có thể kết luận, tỷ lệ nhiễm H.Pylori ở trẻ em khu vực Tây Nguyên là khá cao và có sự khác biệt về tỷ lệ nhiễm H.Pylori giữa các nhóm tuổi, các dân tộc và ở các tỉnh.
Thông tin này hy vọng sẽ gợi mở cho các bạn hướng tìm kiếm và nghiên cứu hữu ích