NHU CẦU CỦA NGƯỜI CHĂM SÓC CHO NGƯỜI BỆNH ĐỘT QUỴ VÀ CÁC YẾU TỐ LIÊN QUAN
NHU CẦU CỦA NGƯỜI CHĂM SÓC CHO NGƯỜI BỆNH ĐỘT QUỴ VÀ CÁC YẾU TỐ LIÊN QUAN
Huỳnh Tố Như1, Vũ Thị Đào1, Mai Phương Thảo2
TÓM TẮT :
Đặt vấn đề: Chăm sóc người bệnh đột quỵ là một gánh nặng của những người chăm sóc trong gia đình, nhất là trong điều kiện thiếu sự hỗ trợ những thông tin cần thiết. Nghiên cứu này được thực hiện nhằm xác định nhu cầu của người chăm sóc cho người bệnh đột quỵ, từ đó giúp đưa ra các giải pháp can thiệp phù hợp để chủ động hỗ trợ, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh.
Mục tiêu: Khảo sát nhu cầu của người chăm sóc cho người bệnh đột quỵ tại Khoa Nội Thần kinh Bệnh viện Đa khoa Trà Vinh tại thời điểm người bệnh mới nhập viện.
Đối tượng và Phương pháp: Nghiên cứu chọn 80 người chăm sóc chính cho người bệnh đột quỵ tại khoa Nội thần kinh của Bệnh viện Đa khoa Trà Vinh tại thời điểm người bệnh mới nhập viện, trước khi xuất viện, 1 tháng sau khi xuất viện và những yếu tố ảnh hưởng đến nhu cầu đó. Nhu cầu của người chăm sóc được khảo sát bằng bộ câu hỏi có sẵn, sau đó xác định mối liên quan với các đặc điểm của người bệnh đột quỵ.
Kết quả: Nhu cầu được cung cấp thông tin của người chăm sóc có sự thay đổi vào các thời điểm khác nhau. Tại thời điểm người bệnh mới nhập viện và trước lúc xuất viện một ngày, tỷ lệ trung bình các nhu cầu tương đương nhau (lần lượt là 63,4% và 64%), tuy nhiên tại thời điểm một tháng sau khi xuất viện trung bình các nhu cầu giảm xuống chỉ còn 29,1%. Có mối tương quan thuận giữa nhu cầu của người chăm sóc với các đặc điểm của người bệnh: tuổi, bệnh mãn tính kèm theo.
Kết luận: Người chăm sóc có các nhu cầu về y tế cần được đáp ứng trong suốt quá trình chăm sóc người bệnh đột quỵ, và các nhu cầu này thay đổi qua từng thời điểm cụ thể. Qua đó cho thấy tầm quan trọng của điều dưỡng trong việc hỗ trợ, đáp ứng nhu cầu của người chăm sóc bệnh nhân, từ đó góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh đột quỵ.
Đột quỵ là vấn đề sức khỏe toàn cầu, là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ hai và là nguyên nhân thứ ba gây khuyết tật theo Tổ
chức Y tế thế giới(1). Chỉ có 15-30% người bệnh sống sót sau đột quỵ độc lập về chức năng và khoảng 25% đến 74% bị phụ thuộc một phần hoặc hoàn toàn vào người chăm sóc để giúp đỡ các hoạt động trong sinh hoạt hàng ngày(2,3). Do đó, những người trong gia đình khi chăm sóc cho người bệnh đột quỵ phải đối mặt với những khó khăn như thiếu sự hỗ trợ về kiến thức và kỹ năng để chăm sóc tại nhà(4,5,6). Việc xác định các nhu cầu được cung cấp thông tin của người chăm sóc là rất cần thiết để cải thiện kết quả chăm sóc cho những người sống sót sau đột quỵ, nếu không được can thiệp kịp thời sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc và sự hồi phục của người bệnh(7,8). Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc đột quỵ hiện nay đang ở mức cao, cụ thể, tỷ lệ mắc chung tại 8 tỉnh đại diện cho 8 vùng sinh thái Việt Nam là 1,62%, trong đó vùng Tây Nam Bộ là vùng có tỷ lệ mắc cao nhất (4,81%)(9). Bệnh viện Đa khoa Trà Vinh là một bệnh viện hạng II thuộc vùng Tây Nam Bộ – khu vực được thống kê là có tỷ lệ người bệnh đột quỵ cao nhất trong 8 vùng sinh thái Việt Nam.
NHU CẦU CỦA NGƯỜI CHĂM SÓC CHO NGƯỜI BỆNH ĐỘT QUỴ VÀ CÁC YẾU TỐ LIÊN QUAN