Những rào cản trong thực hiện điều trị hóa trị liệu ngắn ngày có kiểm soát trực tiếp tại phòng khám lao quạn Hai Bà Trưng, Hà Nội một báo cáo kết quả định tính
Nghiên cứu được thực hiện nhằm phân tích những rào cản trong thực hiện DOTS từ phía cán bộ y tế và bệnh nhân tại phòng khám lao Hai Bà Trưng năm 2009. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Bài viết báo cáo số liệu định tính từ một nghiên cứu có thiết kế kết hợp. 10 cán bộ y tế (CBYT) tham gia vào chương trình lao và 12 bệnh nhân được phỏng vấn sâu bán cấu trúc. Kết quả: Có nhiều khó khăn trong thực hiện DOTS từ phía CBYT, bệnh nhân và hệ thống quản lý chương trình lao đã được báo cáo. CBYT chủ yếu là kiêm nhiệm, khó có thể đi lại giám sát bệnh nhân đặc biệt trong giai đoạn duy trì; thái độ chủ quan, nhiều khi là biện minh bằng việc tin tưởng về khả năng TTĐT của bệnh nhân; chế độ khenthưởng, phụ cấp cũng như đào tạo và nâng cao hiểu biết về DOTS còn hạn chế. CBYT còn lo ngại về rủi ro nghề nghiệp khi tiếp xúc với bệnh nhân. Bệnh nhân thường trong độ tuổi lao động, hoàn cảnh khó khăn nên vẫn phải đi làm, một số không muốn CBYT đến nhà giám sát điều trị vì ngại bị hàng xóm phát hiện mắc bệnh lao. Sự hỗ trợ của gia đình và đoàn thể là rất quan trọng giúp thực hiện DOTS.
Trên thế giới, tình trạng nhiễm lao ngày càng trầm trọng, hiện có khoảng 2,2 tỷ người đã nhiễm lao [1]. Việt Nam vẫn đứng thứ 12 trong 22 quốc gia có tỷ lệ lao cao trên thế giới. Bên cạnh đó, tỷ lệ kháng thuốc ở mức báo động cao, 32,5%, chỉ đứng sau Thái Lan, Latvia và Cộng hòa Dominica [2]. Tỷ lệ bệnh nhân không TTĐT lao được báo cáo là tương đối cao. Việc tuân thủ đúng nguyên tắc điều trị (NTĐT) bệnh lao là điều kiện tiên quyết, quyết định kết quả điều trị, giảm tình trạng kháng thuốc.
Ở Việt Nam, từ năm 1999, chiến lược DOTS (Directly Observed Treatment Short Course) do Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo được thực hiện. Thực hiện DOTS là trực tiếp giám sát từng liều thuốc của bệnh nhân, đảm bảo bệnh nhân dùng đúng loại thuốc, đúng liều, đều đặn và đủ thời gian. DOTS là phương sách quan trọng nhất đảm bảo thành công của điều trị và tránh kháng thuốc [3].
Phòng khám lao thuộc quận Hai Bà Trưng là phòng khám của một quận nội thành có số lượng bệnh nhân và tỷ lệ mắc lao cao nhất thành phố Hà Nội [4]. Mỗi năm phòng khám này thu nhận khoảng 300 bệnh nhân lao. Tỷ lệ điều trị khỏi năm 2009 ở đây chỉ đạt 78%, trong khi đó, mục tiêu của chương trình chống lao quốc gia (CTCLQG) là đạt tỷ lệ khỏi trên 90%. Thực hiện DOTS ở phòng khám còn gặp nhiều khó khăn. Mục tiêu: Bài viết này báo cáo số liệu định tính nhằm phân tích những rào cản trong thực hiện DOTS từ phía CBYT và bệnh nhân tại phòng khám lao Hai Bà Trưng năm 2009. Kết quả nghiên cứu sẽ đưa ra một số giải pháp tăng cường hiệu quả DOTS cho bệnh nhân lao tại phòng khám.
Thông tin này hy vọng sẽ gợi mở cho các bạn hướng tìm kiếm và nghiên cứu hữu ích