NỒNG ĐỘ GLUCAGON-LIKE PEPTIDE-1 Ở BỆNH NHÂN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TÝP 2 CHẨN ĐOÁN LẦN ĐẦU CÓ THỪA CÂN BÉO PHÌ
NỒNG ĐỘ GLUCAGON-LIKE PEPTIDE-1 Ở BỆNH NHÂN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TÝP 2 CHẨN ĐOÁN LẦN ĐẦU CÓ THỪA CÂN BÉO PHÌ
Nguyễn Huy Thông1, Lê Đình Tuân1, Nguyễn Thị Phi Nga1
Trần Thị Thanh Hóa2, Nguyễn Thị Tâm2, Nguyễn Thị Hồ Lan2
Nguyễn Văn Thuần1, Nguyễn Tiến Sơn1
TÓM TẮT
Mục tiêu: Khảo sát nồng độ glucagon-like peptide-1 (GLP-1) huyết tương lúc đói ở bệnh nhân (BN) đái tháo đường (ĐTĐ) týp 2 được phát hiện lần đầu có thừa cân, béo phì. Đối tượng và phương pháp: Nghiên cứu mô tả, cắt ngang trên 92 đối tượng được chia làm 3 nhóm: nhóm 32 BN ĐTĐ týp 2 chẩn đoán lần đầu có thừa cân, béo phì; nhóm 30 BN ĐTĐ týp 2 chẩn đoán lần đầu không thừa cân, béo phì và nhóm 30 người bình thường tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương. Kết quả: Nồng độ GLP-1 ở nhóm BN ĐTĐ có thừa cân béo phì là 24,98 ± 10,36 (pg/mL) thấp hơn có ý nghĩa thống kê so với nhóm không có thừa cân béo phì 32,15 ± 11,22 pg/mL và nhóm chứng 49,74 ± 18,24 pg/mL (p < 0,001). Tỷ lệ BN giảm nồng độ GLP-1 ở nhóm có thừa cân, béo phì (71,9%) cao hơn so với nhóm BN ĐTĐ không thừa cân, béo phì (66,7%) và nhóm chứng (23,3%) (p < 0,001).
Nồng độ GLP-1 ở nhóm BN nam là 28,99 ± 12,01 pg/mL cao hơn có ý nghĩa thống kê so với nhóm BN nữ (21,44 ± 7,30 pg/mL, (p < 0,05). Nồng độ GLP-1 trung bình ở BN ĐTĐ có thừa cân béo phì ở nam béo bụng thấp hơn so với BN nam không béo bụng (p < 0,05). Có mối tương quan nghịch mức độ vừa giữa nồng độ GLP-1 với mức BMI (r = -0,433; p < 0,05). Kết luận: Ở BN ĐTĐ có thừa cân béo phì, nồng độ trung bình GLP-1 thấp hơn, giảm nồng độ GLP-1 cao hơn có ý nghĩa thống kê so với nhóm BN ĐTĐ không thừa cân béo phì. Có mối tương quan nghịch mức độ vừa giữa nồng độ GLP-1 với mức BMI
Từ nhiều thập niên qua, glucose dùng qua đường uống sẽ kích thích tiết insulin nhiều hơn so với truyền glucose tĩnh mạch ở cùng liều lượng. Sự khác nhau ở tác dụng này là do vai trò của incretin [4]. Incretin kích thích tuyến tụy tiết insulin từ đó làm hạ glucose
máu. Ở người các incretin chính bao gồm GLP-1 và GIP (Glucose dependent insulinotroic polypeptide) [4]. GLP-1 được tạo thành ở ruột non và đại tràng nó kích thích insulin phụ thuộc vào glucose, GLP-1 chậm làm rỗng dạ dày, do đó làm chậm hấp thu tinh bột và làm giảm đường huyết sau ăn, đồng thời làm giảm sự ngon miệng. Tình trạng béo phì, đặc biệt là béo phì vùng bụng là yếu tố nguy cơ quan trọng của tình trạng đề kháng insulin, gây ra các rối loạn chuyển hóa và sau cùng là ĐTĐ [1, 5]. Bệnh ĐTĐ gia tăng song hành với tình trạng béo phì. Theo điều tra cơ bản về dinh dưỡng và sức khỏe toàn quốc tại Mỹ cho thấy, tỷ lệ ĐTĐ trên người thừa cân nhiều gấp 3,8 lần đối tượng có cân nặng bình thường trong lứa tuổi 45 – 75 [1]. Các nghiên cứu trên thế giới cũng cho thấy hiệu ứng incretin giảm ở người thừa cân béo phì, đây cũng là cơ chế quan trọng trong các rối loạn chuyển hóa ở người có thừa cân béo phì, trong đó có ĐTĐ
[5, 7, 9]. Ở Việt Nam, mặc dù liệu pháp incretin đã được áp dụng trên lâm sàng từ vài năm nay nhưng chưa có nghiên cứu nào về sự khác biệt giữa nồng độ GLP -1 huyết thanh ở BN ĐTĐ týp 2 béo phì được phát hiện lần đầu với nhóm không béo phì. Vì vậy, chúng tôi tiến hành nghiên cứu này nhằm: Khảo sát nồng độ GLP-1 huyết tương lúc đói ở BN ĐTĐ týp 2 phát hiện lần đầu có thừa cân, béo phì
Nguồn: https://luanvanyhoc.com