Phác đồ điều trị u mềm lây

Phác đồ điều trị u mềm lây

Một số trường hợp có biến chứng chàm hoá xung quanh tổn thương, do người bệnh gãi nhiều, và do đáp ứng miễn dịch của cơ thể đối với tác nhân gây bệnh.

Nhận định chung

U mềm lây được Batcman mô tả lần đầu tiên năm 1817 và năm 1905 Juliusberg phát hiện ra căn nguyên gây bệnh là một virút có tên khoa học Molluscum Contagiosum virus (MCV).

Ở Mỹ, theo ước tính có khoảng 1% dân số mắc u mềm lây ít nhất một lần trong đời. Bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào nhưng thường gặp nhất ở trẻ em.

Phương thức lây truyền là tiếp xúc trực tiếp hay gián tiếp qua các dụng cụ, tắm cùng bể tắm, dùng khăn, dụng cụ thể thao chung hoặc ngồi cùng ghế.

Virút MCV thuộc nhóm poxvirus có kích thước lớn (200 × 300 × 100mm). Có 4 type vi rút là MCV 1, 2, 3 và 4. Hai type thường gặp là MCV 1 và MCV 2. Tuy nhiên, type 1 là nguyên nhân chủ yếu còn type 2 thường gây u mềm lây ở người lớn và được xếp vào nhóm các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Trên lâm sàng rất khó phân biệt các type gây bệnh mà chủ yếu dựa vào các xét nghiệm PCR.

Có nhiều yếu tố thuận lợi gây bệnh nhất là tình trạng da khô, viêm da cơ địa và điều trị bằng bôi các loại kem corticoid.

Phác đồ điều trị u mềm lây

Nguyên tắc điều trị

Loại bỏ tổn thương.

Phòng tránh tái phát.

Điều trị các bệnh kèm theo: viêm da cơ địa, khô da.

Điều trị cụ thể

Nạo bỏ tổn thương bằng thìa nạo:

Sau khi bôi kem tê (EMLA 5%), dùng thìa nạo vô khuẩn nạo bỏ nhân tổn thương.

Điều trị bằng các thuốc bôi:

Dung dịch KOH 10%: bôi dung dịch lên đúng tổn thương, ngày bôi hai lần (sáng, tối) cho đến khi hết tổn thương.

Imiquimod 5%: bôi thuốc vào buổi tối, rửa sạch sau 8 – 10 giờ. Một tuần bôi ba ngày liên tiếp, nghỉ 4 ngày, tuần tiếp theo điều trị với liệu trình tương tự. Thời gian bôi tối đa có thể tới 16 tuần.

Salicylic 2 – 5%: bôi ngày 2 – 3 lần cho đến khi hết tổn thương.

Nitơ lỏng (-1960C):

Xịt nitơ lỏng lên đúng tổn thương gây đông vón tổn thương. Cần lưu ý tránh gây tổn thương vùng da lành xung quanh nhất là các tổn thương quanh mắt.

Một số phương pháp điều trị khác:

Bôi Cantharidin, axít trichoroacetic, podophyllotoxin, hoặc tiêm interferon trong tổn thương. Một số tác giả sử dụng laser màu (pulsed dye laser) có bước sóng 585 nm.

Điều trị kết hợp:

Tránh chà xát, tránh gãi.

Kem giữ ẩm da.

Sát khuẩn.

Hạn chế sử dụng thuốc bôi có chứa corticoid tạo điều kiện cho virút lây truyền.

Tiến triển và biến chứng

Bệnh lành tính, có thể tự khỏi sau một thời gian tiến triển.

Một số trường hợp có biến chứng chàm hoá xung quanh tổn thương do người bệnh gãi nhiều và do đáp ứng miễn dịch của cơ thể đối với tác nhân gây bệnh.

Leave a Comment