Phát hiện DNA phôi thai trong máu mẹ bằng kỹ thuật sinh học phân tử nhằm hướng tới chẩn đoán và đánh giá một số bệnh di truyền
Bệnh tật di truyền bẩm sinh vốn bị quan niệm là tai hoạ trời giáng. Việc sinh ra những đứa con bị bệnh di truyền hoặc các dị tật bẩm sinh là bất hạnh và là gánh nặng cho cả gia đình và xã hội không chỉ về mặt tâm lý mà còn cả về kinh tế. Vì vậy, cùng với sự tiến bộ của Y học, các nhà khoa học trên thế giới ngày càng tập trung nghiên cứu nhiều hơn về bệnh tật di truyền. Khi chưa tìm ra một phương pháp điều trị đặc hiệu thì việc phát hiện sớm trước sinh bệnh tật di truyền bẩm sinh vẫn được đặt lên hàng đầu.
Từ trước những năm 1990, chẩn đoán trước sinh sử dụng kỹ thuật sinh học phân tử thường đòi hỏi nguyên liệu là các tế bào của thai nhi được lấy bằng chọc ối, sinh thiết tua rau… Nhưng các kỹ thuật xâm phạm này có khả năng gây nguy cơ rủi ro cho cả mẹ và thai như nhiễm trùng ối, chảy máu tử cung và nặng hơn sẽ gây sảy thai. Vì vậy, chẩn đoán trước sinh xâm phạm chỉ được chỉ định đối với những phụ nữ có nguy cơ cao sinh con bất thường về gen.
Việc phát hiện ra các tế bào thai có nhân lưu hành trong vòng tuần hoàn mẹ đã mở ra triển vọng phát triển các kỹ thuật chẩn đoán trước sinh không xâm phạm hầu như không có nguy cơ [40,41]. Nhưng do các tế bào này có số lượng rất ít nên giá trị chẩn đoán không cao và khó được ứng dụng phổ biến trong lâm sàng thường quy [46,72].
Từ năm 1989, Lo và cs đã công bố sự có mặt của NST Y của phôi thai trong máu ngoại vi của mẹ khi mang thai; đến năm 1990, Lo và cs công bố thành công trong việc sử dụng kỹ thuật PCR lồng (nested PCR) có thể phát hiện được NST Y của thai trong máu ngoại vi của mẹ. Sau đó, năm 1997 tác giả phát hiện được sự lưu hành của các mảnh DNA phôi thai tự do ngay trong huyết thanh mẹ, mở ra một lĩnh vực mới trong y học đó là chẩn đoán trước
sinh bằng các kỹ thuật không xâm phạm [54]. Hiện tượng này đã thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu và nhanh chóng phát triển với nhiều thành tựu mới như: Phát triển kỹ thuật PCR thông thường, PCR lồng và PCR định lượng phát hiện DNA phôi thai tự do trong huyết tương và huyết thanh mẹ; Ứng dụng DNA phôi thai vào chẩn đoán nhiều bệnh tật di truyền bẩm sinh như các bệnh liên kết với giới tính, thalassemia, tăng sản thượng thận bẩm sinh (TSTTBS), teo cơ Duchenne, trisomy 21… Trên cơ sở đó nhiều tác giả đã nghiên cứu sử dụng các kỹ thuật không xâm phạm để chẩn đoán trước sinh bất đồng nhóm máu Rh mẹ con, xác định giới tính thai nhi để đưa ra lời khuyên di truyền trong các gia đình có nguy cơ sinh con bị bệnh di truyền liên kết giới tính… [54,61,72].
Ở Việt Nam, cho đến nay hầu hết vẫn sử dụng các kỹ thuật xâm phạm để chẩn đoán trước sinh, còn các xét nghiệm sàng lọc thì chỉ sử dụng các marker có tính đặc hiệu không cao lắm như AFP, hCG, uE3… Chưa tác giả nào áp dụng kỹ thuật chiết tách DNA phôi thai từ huyết thanh mẹ làm tiền đề cho việc chẩn đoán trước sinh bằng các kỹ thuật sinh học phân tử.
Do vậy, chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài: “Phát hiện DNA phôi thai trong máu mẹ bằng kỹ thuật sinh học phân tử nhằm hướng tới chẩn đoán và đánh giá một số bệnh di truyền” với mục tiêu là:
1. Hoàn chỉnh quy trình chiết tách DNA phôi thai trong máu mẹ, và phát hiện nó bằng kỹ thuật PCR lồng (nestedPCR).
2. Đánh giá độ chính xác của kỹ thuật PCR lồng trong nghiên cứu này, bước đầu ứng dụng kỹ thuật đó cho việc chẩn đoán và đánh giá một số bệnh di truyền.
Thông tin này hy vọng sẽ gợi mở cho các bạn hướng tìm kiếm và nghiên cứu hữu ích