PHẪU THUẬT SỬ DỤNG OMNIPORE ĐIỀU TRỊ KHE HỞ XƯƠNG ỨC Ở TRẺ EM: NHÂN 3 TRƯỜNG HỢP
PHẪU THUẬT SỬ DỤNG OMNIPORE ĐIỀU TRỊ KHE HỞ XƯƠNG ỨC Ở TRẺ EM: NHÂN 3 TRƯỜNG HỢP
Tô Mạnh Tuân1, Nguyễn Minh Khôi1, Phạm Duy Hiền1, Vũ Thanh Tú1, Đặng Hanh Tiệp1, Đặng Ánh Dương1, Trần Thị Tuyến1, Lê Thị Lý1, Nguyễn Minh Huyền1, Nguyễn Văn Sáng1
1 Bệnh viện Nhi Trung ương
Nội dung chính của bài viết
Tóm tắt
Đặt vấn đề: Khe hở xương ức là một dị dạng thành ngực hiếm gặp, xảy ra do sự liền không hoàn toàn của xương ức trong thời kì bào thai. Tỉ lệ mắc 1:100 000 trẻ sinh sống và chiếm dưới 1% các trường hợp dị dạng lồng ngực. Phẫu thuật cần được thực hiện nhằm phục hồi cấu trúc giải phẫu, chức năng lồng ngực và giảm nguy cơ nhiễm trùng. Phẫu thuật nên được thực hiện trong giai đoạn sơ sinh và trẻ nhũ nhi vì sự linh hoạt của thành ngực là tối đa. Phẫu thuật có thể sử dụng trực tiếp với vạt màng sụn, trượt ghép sụn hay mảnh cơ ghép hay các vật liệu nhân tạo như Omnipore (Matrix Surgical USA-Atlanta, Georgia 30349 U.S.A.). Nghiên cứu này, chúng tôi đánh giá kết quả ứng dụng Omnipore phẫu thuật nhân 3 bệnh nhân khe hở xương ức tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ca bệnh: Ba ca bệnh là trẻ nam, tuổi 1-1-12 tháng, có khe hở toàn bộ xương ức ở 2 trẻ và một trẻ có khe hở hình chữ V ngược, được phẫu thuật tạo hình xương ức có sử dụng mảnh ghép Omnipore. Kết quả khám lại sau phẫu thuật 1 tháng, 3 tháng, 12 tháng cho thấy kết quả xương liền, không biến chứng. Kết Luận: Khe hở xương ức là một bệnh lý hiếm gặp. Phẫu thuật sớm quanh tuổi sơ sinh thuận lợi hơn, việc sử dụng vật liệu Omnipore hỗ trợ kết hợp xương ức cho kết quả liền xương vững và không có biến chứng, đặc biệt các trường hợp diện khe hở xương ức lớn.
Khe hở xương ức (Sternal cleft/ SC) là một dị tật của thành ngực hiếm gặp có tỷ lệ mắc 1:100.000 trẻ sinh sống, chiếm 0,15% các trường hợp dị tật bẩm sinh của thành ngực và thường có các dị tật phối hợp như u máu, hội chứng Cantrell, PHACES, lõmức…[1],[2]. SC có thể phân loại thành hai nhóm là khe hở một phần và toàn bộ, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp cũng như thiếu sự bảo vệ đối với các cấu trúc ở trung thất. Chẩn đoán xác định qua khám lâm sàng, hình ảnh cắt lớp vi tính (CLVT) hay cộng hưởng từ (MRI) và kết hợp siêu âm tim tìm các tổn thương phối hợp. Vì vậy, phẫu thuật được đặt ra nhằm phục hồi cấu trúc xương ức sớm ngay sau sinh do sự mềm mại của xương ngực cũng như thích ứng phẫu thuật tốt, đặc biệt với trẻ trong 3 tháng tuổi[2],[5], [6]. Kĩ thuật phẫu thuật được thực hiện cho SC đa dạng, gồm: phẫu thuật đóng trực tiếp hai mép xương ức có hoặc không kết hợp với cắt khớp ức đòn, cắt, ghép sụn, sườn, xương tự thân hay các vật liệu nhân tạo như Marlex mesh, Teflon, silicone, acrylic, Titan, Gore-tex® hay Gore® DualMesh®, hay các polyester, vật liệu tổng hợp tự tiêu LactoSorb® [1], [4], [7], [8], [9].Báo cáo này chúng tôi trình bày 3 trường hợp bệnh lý khe hở ức được điều trị thành công bằng phẫu thuật kết hợp xương ức có sử dụng vật liệu nhân tạo Omnipore tại Bệnh viện Nhi Trung ương từ T9/2019 đến T7/2020. Tấm Omnipore (Matrix Surgical USA • 4025 Welcome All Road, Suite 120 • Atlanta, Georgia 30349 U.S.A) là vật liệu polyethylene xốp, tỷ trọng cao, dễ tạo hình hoặc cắt gọt để phù hợp với yêu cầu giải phẫu, chức năng và có các vi hốc liên thông của vật liệu cho phép sợi xơ và mạch máu xâm nhập phát triển làm vững tổ chức được ghép.
Nguồn: https://luanvanyhoc.com