PHẪU THUẬT VÁ LỖ THÔNG LIÊN THẤT CÓ KÍCH THƯỚC LỚN ÁP DỤNG PHƯƠNG PHÁP MỔ TIM HỞ ÍT XÂM LẤN QUA ĐƯỜNG MỔ DỌC NÁCH GIỮA BÊN PHẢI TẠI BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
PHẪU THUẬT VÁ LỖ THÔNG LIÊN THẤT CÓ KÍCH THƯỚC LỚN ÁP DỤNG PHƯƠNG PHÁP MỔ TIM HỞ ÍT XÂM LẤN QUA ĐƯỜNG MỔ DỌC NÁCH GIỮA BÊN PHẢI TẠI BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
Nguyễn Trung Nam1, Nguyễn Lý Thịnh Trường2
1 Bệnh viện Nhi Thanh Hoá
2 Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Nhi Trung ương
Nội dung chính của bài viết
Tóm tắt
Mục tiêu: Đánh giá kết quả sớm sau phẫu thuật vá lỗ thông liên thất (TLT) có kích thước lớn áp dụng phương pháp mổ tim hở ít xâm lấn qua đường mổ dọc nách giữa bên phải tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Đối tượng-phương pháp: Từ tháng 1 năm 2020 đến tháng 12 năm 2021, có tổng cộng 93 bệnh nhân được chẩn đoán TLT lỗ lớn (kích thước tối thiểu của lỗ thông > 6.5mm) được phẫu thuật tim hở ít xâm lấn qua đường dọc nách giữa tại Trung tâm Tim mạch-Bệnh viện Nhi Trung ương được tiến hành nghiên cứu hồi cứu. Kết quả: Tuổi phẫu thuật trung bình trong nhóm nghiên cứu là 11.2 tháng (IQR, 6.4-25.4), cân nặng trung bình là 7.7kg (IQR, 6.4-11.5). Tỷ lệ nam/nữ là 49/44. Kích thước trung bình lỗ thông trên siêu âm của nhóm nghiên cứu là 9,1 ± 1.8mm, áp lực động mạch phổi trung bình là 38,2±13,4 mmHg (min:20-max:85). Chiều dài đường rạch trung bình là 5,6±0,5cm (min:5-max:7). Thời gian cặp động mạch chủ trung bình là 51,6±12,4phút và thời gian chạy máy tuần hoàn ngoài cơ thể là 68,9±15phút, thời gian thiết lập tuần hoàn ngoài cơ thể là 37,1 ±8,6phút. Có 73 bệnh nhân (78.5%) vị trí lỗ thông nằm quanh màng, 19 bệnh nhân (20.4%) vị trí phần phễu hoặc dưới van động mạch phổi, và 1 trường hợp vị trí lỗ thông nằm tại buồng nhận. Lỗ thông được vá qua đường nhĩ phải ở 75 trường hợp (80.6%) và qua động mạch phổi là 18 trường hợp (19.4%). Không có bệnh nhân tử vong trong hoặc sau phẫu thuật, không có tử vong sau khi ra viện cho tới thời điểm hiện tại. Không có bệnh nhân nào cần mổ lại, không có trường hợp nào có block nhĩ thất cần đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn. Có 3 trường hợp nhiễm trùng vết mổ, 3 trường hợp xẹp phổi và 26 trường hợp có tràn khí dưới da. Thời gian nằm viện sau phẫu thuật trung bình là 8 ngày (min:5-max:35). Kết quả kiểm tra sau mổ có 8 trường hợp shunt tồn lưu ngay sau phẫu thuật, tuy vậy với thời gian theo dõi trung bình là 13 ± 5,9 tháng (min:6-max:30) thì không có bệnh nhân nào có shunt tồn lưu sau phẫu thuật. Tất cả các bệnh nhân đều ổn định và lồng ngực phát triển bình thường ở 97% các trường hợp khám lại sau phẫu thuật. Kết luận: Phẫu thuật tim hở ít xâm lấn điều trị các bệnh nhân có lỗ thông liên thất lớn tại Bệnh viện Nhi Trung ương là an toàn, khả quan và có hiệu quả về thẩm mỹ cao. Cần có nghiên cứu với số lượng bệnh nhân lớn hơn và theo dõi lâu dài hơn để đánh giá chính xác hơn nữa kết quả lâu dài áp dụng phương pháp phẫu thuật này.
Trongnhững thập niên gần đây, tỷ lệ thành công trong phẫu thuật tim hở điều trị các bệnh lý tim bẩm sinh đã được nâng cao rõ rệt, tỷ lệ tử vong cũng như biến chứng sau phẫu thuật đã cải thiện rõ ràng ở rất nhiều trung tâm trên thế giới. Nhiều bệnh lý tim bẩm sinh đã đạt được tỷ lệ sống sót sau phẫu thuật gần như tuyệt đối với rất ít các biến chứng. Các bệnh nhân sau phẫu thuật có thể sống cuộc sống giống như người bình thường. Phương pháp điều trị kinh điển với tiếp cận qua đường giữa xương ức có thể giúp cho phẫu thuật viên xử lý được gần như toàn bộ các tổn thương trong tim, thuận tiện trong quá trình đặt và chạy máy tim phổi nhân tạo. Tuy vậy đây là một phẫu thuật xâm lấn, để lại sẹo mổ có thể dễ dàng nhận ra trên lồng ngực của ngườibệnh, thậm chí có thể ảnh hưởng tới tâm lý và để lại mặc cảm cho trẻ em khi lớn lên. Cùng với sự cải thiện về tử vong cũng như biến chứng, trong xã hội xuất hiện nhu cầu ngày càng cao để được chữa khỏi các tổn thương tim bẩm sinh với tính thẩm mỹ và ít xâm lấn so với phương pháp điều trị thông thường (1)(2)(3). Cùng với sự phát triển của kỹ thuật cũng như các phương pháp tiếp cận mới, sự ra đời và phát triển phẫu thuật tim hở ít xâm lấn đã đáp ứng được ngày càng tốt hơn với nhu cầu thực tế. Nhiều kỹ thuật và phương pháp tiếp cận đã xuất hiện và chứng tỏ được ưu nhược điểm của từng phương pháp: phẫu thuật theo đường ngang ngực bên phải, đường giữa nửa dưới xương ức, đường sau bên phải, đường dọc bên nách phải(4)(5)(6)(7).Phẫu thuật theo đường dọc bên ngực phải có nhiều ưu điểm hơn so với một số phương pháp phẫu thuật ít xâm lấn khác như: lớp da đàn hồi, đường mở cách xa tuyến vú đối với trẻ gái, có ít cơ và có thể được bảo tồn, vết sẹo dấu được dưới cánh tay. Các tổn thương có thể được xử lý qua đường mở nhĩ phải, qua động mạch phổi hoặc qua nhĩ trái đều có thể áp dụng được đường mổ này: thông liên thất, thông liên nhĩ, thông sàn nhĩ thất bán phần hoặc toàn phần, tứ chứng Fallot, hẹp van và trên van ĐMP, bất thường trở về tĩnh mạch phổi bán phần, màng ngăn nhĩ trái, u nhầy nhĩ trái… (3)(4). Kết quả điều trị áp dụng đường mổ này đã cho thấy đây là một đường tiếp cận an toàn có kết quả tương đương với phẫu thuật theo đường mở kinh điển. Chúng tôi tiến hành đánh giá mức độ an toàn và kết quả sử dụng đường mổ dọc bên nách phải áp dụng điều trị chocác bệnh nhân có lỗ thông liên thất kích thước lớn tại Bệnh viện Nhi Trung ương
Nguồn: https://luanvanyhoc.com