QUẢN LÝ TRANG THIẾT BỊ CHẨN ĐOÁN CẬN LÂM SÀNG VÀ MỘT SỐ YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG TẠI BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH VĨNH LONG, NĂM 2020
QUẢN LÝ TRANG THIẾT BỊ CHẨN ĐOÁN CẬN LÂM SÀNG VÀ MỘT SỐ YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG TẠI BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH VĨNH LONG, NĂM 2020
Học viên: Lê Thị Tuyết Nhung
Giáo viên hướng dẫn: PGS.TS. Phạm Trí Dũng
Trang thiết bị chẩn đoán Cận lâm sàng là một trong những yếu tố quan trọng quyết định chất lượng trong chẩn đoán bệnh. Vì vậy việc quản lý, sử dụng trang thiết bị chẩn đoán Cận lâm sàng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của các nhà quản lý y tế, đặc biệt là các bệnh viện. Trong những năm gần đây, Bệnh viện đa khoa Vĩnh Long được đầu tư, trang bị mới nhiều trang thiết bị chẩn đoán Cận lâm sàng. Tuy nhiên việc quản lý, sử dụng các trang thiết bị chẩn đoán Cận lâm sàng tại bệnh viện chưa được kiểm soát và đánh giá. Nghiên cứu của chúng tôi về “Quản lý trang thiết bị chẩn đoán Cận lâm sàng và một số yếu tố ảnh hưởng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long, năm 2020” với 2 mục tiêu: (1) Mô tả quản lý trang thiết bị chẩn đoán Cận lâm sàng tại Bệnh viện đa khoa Vĩnh Long, năm 2020; (2) Phân tích một số yếu tố ảnh hưởng đến quản lý trang thiết bị chẩn đoán Cận lâm sàng tại Bệnh viện đa khoa Vĩnh Long.
Nghiên cứu sử dụng thiết kế mô tả cắt ngang kết hợp định lượng và định tính. Phần nghiên cứu định lượng tất cả 106 trang thiết bị chẩn đoán Cận lâm sàng thuộc danh mục tài sản cố định tại khoa Chẩn đoán hình ảnh, Xét nghiệm, Giải phẫu bệnh của Bệnh viện đa khoa Vĩnh Long; toàn bộ 46 cán bộ của khoa, phòng nghiên cứu và các sổ sách, báo cáo có liên quan. Nghiên cứu định tính tìm hiểu sâu hơn một số nội dung về quản lý, sử dụng trang thiết bị và tập trung khai thác các yếu tố ảnh hưởng đến quản lý, sử dụng trang thiết bị chẩn đoán Cận lâm sàng. Kết quả nghiên cứu cho thấy: trang thiết bị chẩn đoán Cận lâm sàng tại các khoa nghiên cứu so với danh mục Thông tư 08/ 2019/TT-BYT của Bộ Y tế: Về số lượng, khoa Chẩn đoán hình ảnh 77,5%, khoa Xét nghiệm 81%, khoa Giải phẫu bệnh 93,3%; Về chủng loại, khoa Chẩn đoán hình ảnh 91,7%, khoa Xét nghiệm 97,8%, khoa Giải phẫu bệnh đạt 91,7%. Trang thiết bị chẩn đoán Cận lâm sàng hoạt động bình thường đạt 89,6%, hỏng và đang sửa chữa 10,4% khá cao so với 1 số nghiên cứu, trong đó khoa Chẩn đoán hình ảnh chiếm nhiều nhất là 63,6%. Tỷ lệ quản lý tốt qua đầu tư, mua sắm 80,4%; qua sử dụng, bảo quản 71,7%; qua hiện trạng 93,5%; qua chất lượng 87%; qua bảo dưỡng, sửa chữa 45,7% là thấp nhất. Đánh giá chung về quản lý tốt trang thiết bị chẩn đoán Cận lâm sàng tại các khoa nghiên cứu tỷ lệ 69,6%. Nghiên cứu cũng phân tích một số yếu tố ảnh hưởng đến quản lý, sử dụng trang thiết bị chẩn đoán Cận lâm sàng như: yếu tố chính sách; yếu tố nhân lực; yếu tố tài chính; ngoài ra cơ sở vật chất; công nghệ thông tin và hoạt động kiểm tra, giám sát.
Qua kết quả nghiên cứu, để bệnh viện thực hiện quản lý, sử dụng trang thiết bị chẩn đoán Cận lâm sàng tốt hơn: cấp lãnh đạo, quản lý sớm ban hành Thông tư về quản lý, sử dụng trang thiết bị y tế; có chính sách tuyển dụng cán bộ đã được đào tạo chuyên ngành kỹ thuật trang thiết bị y tế; tổ chức lớp tập huấn chuyên môn về quản lý, sử dụng trang thiết bị chẩn đoán Cận lâm sàng. Bệnh viện đa khoa Vĩnh Long có kế hoạch đào tạo nhân lực về quản lý, sử dụng trang thiết bị; trích lập kinh phí dành cho việc bảo dưỡng và sửa chữa; ứng dụng phần mềm trong quản lý trang thiết bị y tế; tăng cường kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng trang thiết bị chẩn đoán Cận lâm sàng tại Bệnh viện.
https://thuvieny.com/quan-ly-trang-thiet-bi-chan-doan-can-lam-sang-va-mot-so-yeu-to-anh-huong/