STRESS VÀ CÁC YẾU TỐ LIÊN QUAN TRÊN BỆNH NHÂN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TYPE 2 TẠI BỆNH VIỆN GÒ VẤP THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
STRESS VÀ CÁC YẾU TỐ LIÊN QUAN TRÊN BỆNH NHÂN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TYPE 2 TẠI BỆNH VIỆN GÒ VẤP THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Nguyễn Trung Cẩn1, Nguyễn Thị Ngọc Hân2, Huỳnh Giao1
TÓM TẮT :
Đặt vấn đề: Các vấn đề tâm lý ở bệnh nhân đái tháo đường type 2 (ĐTĐ) có ảnh hưởng đến quá trình chăm sóc và điều trị bệnh.
Mục tiêu: Xác định tỷ lệ stress và các yếu tố liên quan trên bệnh nhân đái tháo đường type 2.
Đối tượng – Phương pháp: Nghiên cứu cắt ngang mô tả được thực hiện trên 274 bệnh nhân đái tháo đường type 2 tại Bệnh viện Gò Vấp từ 1/2020 đến 7/2020. Thang đo stress phiên bản tiếng Việt (DDS-17) có 17 câu hỏi đo lường 4 lĩnh vực bao gồm gánh nặng cảm xúc, stress liên quan bác sĩ, liên quan điều trị và trong các mối quan hệ. Điểm của stress được tính bằng trung bình của 17 câu hỏi và được phân loại <2: không hoặc ít stress, 2 – <3: stress mức độ trung bình và mức độ nặng khi điểm ≥3.
Kết quả: Tỷ lệ stress ở bệnh nhân ĐTĐ là 32,1%, trong đó mức độ trung bình và nặng lần lượt là 24,8% và 7,3%, stress liên quan đến cảm xúc và điều trị chiếm tỷ lệ cao (73,5% và 40,5%). Ngoài ra, bệnh nhân có mức kiểm soát đường huyết chưa tốt có tỷ lệ stress cao hơn 2,75 lần bệnh nhân kiểm soát được đường huyết (PR: 2,75; KTC 95%: 1,76-4,30).
Kết luận: Stress ở bệnh nhân ĐTĐ là vấn đề cần được quan tâm. Chương trình giáo dục bệnh nhân cần tập trung vào việc tăng cường kiểm soát đường huyết và tuân thủ điều trị.
Đái tháo đường (ĐTĐ) là bệnh rối loạn chuyển hóa không đồng nhất, tăng glucose máu do khiếm khuyết về insulin hoặc do tác động của insulin và nằm trong nhóm 10 bệnh mạn tính phổ biến trên thế giới(1). Theo ước tính toàn thế giới giai đoạn năm 2011 – 2030, bệnh ĐTĐ gây thiệt hại khoảng 1,7 tỷ USD và số người mắc bệnh ĐTĐ ngày càng tăng, ước tính đến năm 2035 khoảng 592 triệu người(1). Việt Nam là nước có nền kinh tế đang phát triển, theo báo cáo của Hiệp hội Đái tháo đường thế giới ghi nhận có 3,5 triệu người mắc bệnh và ước tính tỷ lệ này sẽ tăng lên 78,5% vào năm 2045. Theo kết quả điều tra năm 2015 của Bộ Y tế có 68,9% người tăng đường huyết chưa được phát hiện và chỉ có 28,9% người bệnh được quản lý tại cơ sở y tế(1,2)