SỰ BIỂU LỘ CỦA C-MET TRONG UNG THƯ BIỂU MÔ TUYẾN DẠ DÀY VÙNG HANG VỊ
SỰ BIỂU LỘ CỦA C-MET TRONG UNG THƯ BIỂU MÔ TUYẾN DẠ DÀY VÙNG HANG VỊ
Trần Ngọc Thụy1,, Nguyễn Phú Hùng2, Dương Hồng Thái1
Mục tiêu: Đánh giá mức độ biểu lộ của dấu ấn C-met và mối liên quan của nó với đặc điểm hình ảnh nội soi, mô bệnh học của bệnh nhân ung thư biểu mô tuyến vùng hang vị dạ dày. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu thực hiện trên 150 trường hợp ung thư biểu mô tuyến hang vị dạ dày được phẫu thuật tại bệnh viện K Hà Nội từ tháng 1 năm 2018 đến tháng 12 năm 2019, phương pháp mô tả cắt ngang. Kết quả: C-met biểu lộ cao ở 51,3% trường hợp ung thư biểu mô dạ dày. Biểu lộ C-met ở các dạng thâm nhiễm, polyp, loét và nấm với tỷ lệ lần lượt là 41,7%, 50%, 51,3% và 53,7% (p > 0,05). Theo phân loại mô học của Lauren, ung thư thể hỗn hợp có biểu lộ C-met cao hơn so với ung thư thể ruột và ung thư thể lan tỏa (85,7% so với 56,9% và 26,5%, p < 0,01). Biểu lộ C-met là không giống nhau giữa các thể hỗn hợp (85,7%) thể nhú (66,7%), thể nhày (66,7%), thể ống (54,5%) và thể tế bào nhẫn (26,5%) với p < 0,05. Biểu lộ C-met theo độ biệt hóa: 48,3% khối u biệt hóa tốt, 62,5% khối u biệt hóa vừa và 43,1% khối u biệt hóa kém (p > 0.05).
Theo Globocan năm 2020, Việt Nam thuộc nhóm 20 quốc gia có tỷ lệ mắc ung thư dạ dày (UTDD) cao nhất thế giới với 17906 trường hợp mắc mới và 11059 trường hợp tử vong. Đây cũng là dạng ung thư thuộc nhóm hay gặp nhất trên toàn thế giới [1]. Mặc dù đã có nhiều tiến bộ trong chẩn đoán, điều trị nhưng tiên lượng UTDD hiện nay vẫn còn xấu, đặc biệt là UTDD tiến triển, với tỷ lệ sống thêm 5 năm trung bình chỉ khoảng 28% [1]. Một trong những hướng tiếp cận được đặc biệt chú ý hiện nay là điều trị đích dựa trên những hiểu biết về cơ chế phân tử, con đường tín hiệu dẫn tới ung thư [2]. Cách tiếp cận này đã mở ra những cơ hội trong điều trị ung thư nói chung và UTDD nói riêng một cách hiệu quả hơn mà điển hình như điều trị nhắm đích đối với HER2/EGFR đối với ung thư biểu mô vú và UTDD [2]. Các nghiên cứu gần đây cho thấy, C-Met là một protein quan trọng trong con đường tín hiệu tăng trưởng biểu mô của tế bào UTDD [3]. Sự biểu lộ quá mức của C-met đã được chỉ ra là có liên quan tới tiên lượng xấu và là đích hứa hẹn trong điểu trị UTDD [3]. Những nghiên cứu về dấu ấn C-met trên các bệnh nhân UTDD của Việt Nam còn chưa được đề cập. Nghiên cứu này thực hiên nhằm mục tiêu: “Phân tích sự biểu lộ C-Met và mối liên quan với đặc điểm hình ảnh nội soi, mô bệnh học của bệnh nhân ung thư biểu mô tuyến (UTBMT) vùng hang vị dạ dày”.
Nguồn: https://luanvanyhoc.com