SỬ DỤNG KHÁNG SINH DỰ PHÒNG VÀ TÌNH HÌNH NHIỄM KHUẨN HẬU PHẪU TRÊN BỆNH NHÂN PHẪU THUẬT ĐẠI TRỰC TRÀNG TẠI BỆNH VIỆN ĐẠI HỌC Y DƯỢC THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
SỬ DỤNG KHÁNG SINH DỰ PHÒNG VÀ TÌNH HÌNH NHIỄM KHUẨN HẬU PHẪU TRÊN BỆNH NHÂN PHẪU THUẬT ĐẠI TRỰC TRÀNG TẠI BỆNH VIỆN ĐẠI HỌC Y DƯỢC THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Trần Thị Hồng Diệp1, Trần Ngọc Phương Minh2, Đặng Nguyễn Đoan Trang1,2
TÓM TẮT :
Mở đầu: Nhiễm khuẩn hậu phẫu (NKHP) là một trong những biến chứng đáng lo ngại thường gặp trên bệnh nhân phẫu thuật đại trực tràng. Tại Việt Nam, dữ liệu về tình hình NKHP trên phẫu thuật đại trực tràng vẫn còn hạn chế. Việc sử dụng kháng sinh dự phòng (KSDP) trong phẫu thuật làm giảm nguy cơ xuất hiện NKHP.
Mục tiêu: Khảo sát việc sử dụng KSDP trong phẫu thuật và tình hình NKHP, đồng thời xác định các yếu tố liên quan đến NKHP trên bệnh nhân phẫu thuật đại trực tràng tại khoa Ngoại tiêu hóa, Bệnh viện Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh (BV ĐHYD TPHCM).
Đối tượng và Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu cắt ngang mô tả được tiến hành tại khoa Ngoại tiêu hóa BV ĐHYD TPHCM. Dữ liệu được thu thập và phân tích từ hồ sơ bệnh án của bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật đại trực tràng từ tháng 11/2020 đến tháng 4/2021. Tính hợp lý của việc sử dụng KSDP được đánh gía dựa trên Hướng dẫn sử dụng KSDP của BV ĐHYD TPHCM (2017) và Hướng dẫn sử dụng KSDP của ASHP (2013).
Kết quả: Mẫu nghiên cứu gồm 148 bệnh nhân có tuổi trung vị là 62, nam giới chiếm 62,8%. Tỷ lệ hợp lý chung về việc sử dụng KSDP là 52,0%. Cefazolin + metronidazol (32,0%) và ampicillin/sulbactam (6,8%) là các lựa chọn KSDP được sử dụng nhiều nhất trong mẫu nghiên cứu. Việc kéo dài thời gian sử dụng KSDP chưa cho thấy làm giảm nguy cơ nhiễm khuẩn vết mổ (NKVM). Tỷ lệ NKHP là 16,2%, trong đó NKVM chiếm tỷ lệ cao nhất (20 bệnh nhân (13,5%)). Số loại NKHP nhiều nhất ghi nhận được trên một bệnh nhân là 3 loại (NKVM tại vị trí rạch + NKVM cơ quan/khoang + nhiễm khuẩn đường hô hấp). Hút thuốc lá trong vòng 1 năm kể từ ngày phẫu thuật là yếu tố liên quan có ý nghĩa thống kê đến NKVM (OR = 5,83; 95% CI: 1,93 – 17,57, p < 0,05).
Kết luận: Kết quả cho thấy sự thiết cần phải tăng cường công tác quản lý sử dụng kháng sinh trên các bệnh nhân phẫu thuật đại trực tràng.
Nguồn: https://luanvanyhoc.com