Sự tăng trưởng thể chất và sức khỏe của trẻ dưới 2 tuổi có mẹ được bổ sung vi chất dinh dưỡng trước và trong

Sự tăng trưởng thể chất và sức khỏe của trẻ dưới 2 tuổi có mẹ được bổ sung vi chất dinh dưỡng trước và trong

Sự tăng trưởng thể chất và sức khỏe của trẻ dưới 2 tuổi có mẹ được bổ sung vi chất dinh dưỡng trước và trong quá trình mang thai tại Thái Nguyên.Trẻ em là một cơ thể đang lớn và phát triển, vì vậy tăng trưởng là một đặc điểm sinh học cơ bản của trẻ em. Nghiên cứu tăng trưởng được xem là khoa học cơ bản của Nhi khoa. Các nhà Nhi khoa, Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đều lưu ý, nhấn mạnh 1.000 ngày đầu đời, từ khi thụ thai đến khi được tròn hai tuổi, là giai đoạn tối quan trọng, là “những ngày vàng”. Đây là giai đoạn đặc biệt, quyết định phần còn lại của cuộc đời trẻ, những ngày quyết định cho sự phát triển thể chất, tinh thần và vận động cho trẻ em. 1000 ngày vàng là giai đoạn quyết định đến 60% khả năng tăng trưởng chiều cao của trẻ trong tương lai. Tại Việt Nam, tỷ lệ suy dinh dưỡng (SDD) trẻ em còn ở mức cao. Theo số liệu thống kê năm 2015 của Viện Dinh dưỡng quốc gia, tỷ lệ SDD thể nhẹ cân chiếm 14,1%, thể thấp còi chiếm 24,6%, đặc biệt cao ở các vùng miền núi và Tây Nguyên.

Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị thiếu máu dinh dưỡng là 29,2%. Tình trạng dinh dưỡng bà mẹ trước và trong khi mang thai còn kém. Các nghiên cứu trên thế giới đã cho thấy tình trạng dinh dưỡng của người mẹ, đặc biệt là tình trạng vi chất dinh dưỡng khi mang thai là nhân tố quyết định chính về cân nặng sơ sinh và tiềm năng phát triển chiều cao của trẻ. Điều đó có nghĩa là tình trạng dinh dưỡng của người mẹ cần phải được chuẩn bị từ trước khi có thai và cần được duy trì tốt trong suốt thời kỳ mang thai. Trên thế giới và trong nước có nhiều tác giả nghiên cứu tìm hiểu về vai trò của dinh dưỡng và vi chất dinh dưỡng lên sự phát triển thể chất của trẻ trong giai đoạn 1000 ngày vàng, tuy nhiên nghiên cứu về vai trò của việc bổ sung vi chất dinh dưỡng cho bà mẹ trước và trong thời kỳ mang thai ảnh hưởng như thế nào tới sự phát triển thể chất và sức khỏe của trẻ sau sinh còn hạn chế.
Vì vậy, chúng tôi tiến hành đề tài: “Sự tăng trưởng thể chất và sức khỏe của trẻ dưới 2 tuổi có mẹ được bổ sung vi chất dinh dưỡng trước và trong quá trình mang thai tại Thái Nguyên” nhằm các mục tiêu như sau:
1. Đánh giá sự tăng trưởng thể chất và sức khỏe của trẻ dưới 2 tuổi có mẹ được bổ sung vi chất dinh dưỡng trước và trong mang thai tại Thái Nguyên.
2. Phân tích một số yếu tố ảnh hưởng tới sự tăng trưởng thể chất và sức khỏe của trẻ dưới 2 tuổi có mẹ được bổ sung vi chất trước và trong mang thai tại Thái Nguyên.
TÍNH CẤP THIẾT CỦA ĐỀ TÀI
Tình trạng thấp còi là vấn đề sức khỏe cộng đồng ở các nước đang phát triển, vì vậy Tổ chức Y tế Thế giới đã đưa mục tiêu giảm được 40% tỷ lệ thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi vào năm 2025 so với năm 2010, đồng2 thời cũng đề xuất nhiều giải pháp để đạt mục tiêu đề ra, trong đó có giải pháp bổ sung các vi chất dinh dưỡng cho bà mẹ trong giai đoạn trước sinh. Như vậy tên đề tài luận án này có tính thời sự, phù hợp với xu hướng của thế giới và chương trình dinh dưỡng quốc gia.
NHỮNG ĐÓNG GÓP MỚI CỦA LUẬN ÁN
1. Đề tài là công trình đầu tiên trong nước nghiên cứu về sự tăng trưởng và sức khỏe của trẻ em từ 0- 24 tháng tuổi có mẹ được bổ sung vi chất trước và trong mang thai tại Thái Nguyên.
2. Nghiên cứu đã đưa ra được các số liệu về tăng trưởng thể chất và sức khỏe của trẻ từ 0 – 24 tháng tuổi tại Thái Nguyên và đã tìm ra một số yếu tố ảnh hưởng tới tăng trưởng thể chất và sức khỏe của trẻ tại Thái Nguyên.
3. Nghiên cứu đã cho thấy vai trò quan trọng của bổ sung đa vi chấtdinh dưỡng trước khi mang thai lên kết quả thai nghén. Nhóm trẻ là con của các bà mẹ được bổ sung đa vi chất trước khi mang thai, sau đó bổ sung sắt- acid folic trong quá trình mang thai có cân nặng và chiều cao sơ sinh cao hơn và giảm tỷ lệ thiếu máu sơ sinh hơn nhóm trẻ là con của các bà mẹ bổ sung acid folic hoặc sắt – acid folic trước khi mang thai.
BỐ CỤC CỦA LUẬN ÁN
Luận án gồm 143 trang. Ngoài phần đặt vấn đề (3 trang), phần kết luận (3 trang) và phần kiến nghị (1 trang) còn có 4 chương bao gồm: Chương 1: Tổng quan 40 trang; Chương 2: Đối tượng và phương pháp nghiên cứu 18 trang; Chương 3: Kết quả nghiên cứu 48 trang; Chương 4: Bàn luận: 32 trang. Luận án gồm 36 bảng, 11 hình, 171 tài liệu tham khảo (Tiếng Việt: 59 tài liệu; Tiếng Anh: 112 tài liệu)

Leave a Comment