Suy giáp do viêm tuyến giáp Hashimoto ở trẻ em

Suy giáp do viêm tuyến giáp Hashimoto ở trẻ em

Suy giáp do viêm tuyến giáp Hashimoto ở trẻ em
Nguyễn Trọng Thành1, Vũ Chí Dũng2
1 Bệnh viện Nhi Trung ương
2 Bệnh viện Nhi Trung Ương
Nội dung chính của bài viết
Tóm tắt
Viêm tuyến giáp Hashimoto (Hashimoto’s Thyroiditis – HT) là bệnh lý tự miễn phổ biến gây suy giáp mắc phải ở trẻ em và thanh thiếu niên. Nếu bệnh không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng đến phát triển thể chất, tâm thần và vận động của trẻ. Nghiên cứu này mô tả đặc điểm lâm sàng, xét nghiệm và điều trị của bệnh nhân suy giáp do HT. Nghiên cứu một loạt ca bệnh bao gồm 19 bệnh nhân được chẩn đoán suy giáp do HT được khám và điều trị tại khoa Nội tiết – Chuyển hóa – Di truyền, Bệnh viện Nhi Trung ương từ tháng 04/2018 đến tháng 12/2020. Đối tượng nghiên cứu gồm 17 bệnh nhi nữ và 2 bệnh nhi nam được chẩn đoán suy giáp do HT với độ tuổi trung bình là 7,69 ± 2,65 tuổi. Lý do khám bệnh và biểu hiện lâm sàng hay gặp nhất là bướu cổ. Tất cả các trẻ trong nhóm nghiên cứu có suy chức năng tuyến giáp được chẩn đoán qua xét nghiệm hormon giáp với trị số trung bình T3: 1,72 ± 0,56 nmol/l; FT4: 9,81 ± 5,41 pmol/l; TSH: 84,09 ± 80,81 mIU/l, và kháng thể kháng giáp Anti-Tg: 2462,81 ± 1787,36 U/ml; Anti-TPO: 311,53 ± 237,16 U/ml. Điều trị bằng hormon thay thế: Levothyroxin 3,12 ± 0,99 mcg/kg/ngày.

Viêm tuyến giáp Hashimoto là bệnh lý tuyến giáp tự miễn phổ biến nhất ở trẻ em, còn gọi là viêm tuyến giáp lympho mạn tính. Bệnh gặp ở nữ nhiều hơn nam và tỉ lệ mắc tăng lên theo tuổi.1 Cơ chế bệnh sinh gây bệnh là tình trạng phá hủy mô tuyến giáp thông qua trung gian miễn dịch, từ đó gây tổn thương các tế bào biểu mô tuyến giáp. Mô bệnh học đặc trưng bởi sự xâm nhập của các bạch cầu đơn nhân, chủ yếu là bạch cầu lympho B và lympho T đặc hiệu tế bào tuyến giáp vào khoảng kẽ giữa các nang tuyến giáp, và hình ảnh phá hủy các nang giáp. Hầu hết tiến triển cuối cùng của HT đều dẫn đến suy giáp, mặc dù tại một thời điểm nào đócó thể biểu hiện ở trạng thái bình giáp, thậm chí là cường giáp.1,2 Nguyên nhân gây bệnh đượccho là sự kết hợp giữa yếu tố di truyền và yếu tố môi trường.3 Chẩn đoán xác định dựa vào sự hiện diện của kháng thể kháng tuyến giáp, chủ yếu là Anti-thyroperoxidase (Anti-TPO) và Anti-thyroglobulin  (Anti-Tg),  và/hoặc  có  hình ảnh nhu mô giảm âm trên siêu âm tuyến giáp ở những bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng. Trên lâm sàng, suy giáp do HT có thể bị bỏ qua do các triệu chứng tiến triển từ từ và không đặchiệu, chủ yếu là bướu cổ.4  Suy giáp do viêm tuyến giáp Hashimoto là một bệnh tự miễn ngày càng phổ biến, nếu không được phát hiện, điềutrị và theo dõi kịp thời sẽ gây ảnh hưởng đếnphát triển về thể chất, vận động, thậm chí tâm thần của trẻ, đặc biệt là trẻ nhỏ. Vì vậy, suy giáp do HT là một trong những nguyên nhân cần được chú ý và loại trừ khi tiếp cận chẩn đoán bướu cổ ở trẻ em.5 Xuất phát từ những vấn đề trên, chúng tôi báo cáo 19 trường hợp bệnh nhi được chẩn đoán suy giáp do viêm tuyến giáp Hashimoto tại Bệnh viện Nhi Trung ương từ tháng 04/2018 đến tháng 12/2020.

Nguồn: https://luanvanyhoc.com

Leave a Comment