Tác động của truyền thông giáo dục dinh dưỡng và sử dụng nguồn thực phẩm sẵn có tại địa phương

Tác động của truyền thông giáo dục dinh dưỡng và sử dụng nguồn thực phẩm sẵn có tại địa phương

Luận văn Tác động của truyền thông giáo dục dinh dưỡng và sử dụng nguồn thực phẩm sẵn có tại địa phương đến kiến thức, thực hành nuôi dưỡng trẻ và tình trạng dinh dưỡng của trẻ em dưới 5 tuổi tại xã Xuân Quang, huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang

Cho tới nay, SDD protein – năng lượng vẫn là vấn đề sức khỏe của trẻ em toàn cầu với tỷ lệ mắc cao và rất cao ở hầu hết các nước đang phát triển. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các nước đang phát triển có khoảng 500 triệu trẻ em bị thiếu dinh dưỡng và hàng năm có 12,9 triệu trẻ em chết vì bệnh tật như viêm phổi, ỉa chảy, ho gà; trong đó SDD đóng góp tới 50% mức độ trầm trọng của bệnh [1].

Ở nước ta, tỷ lệ SDD đã giảm nhiều, năm 1985: thể nhẹ cân là 51,5%; thấp còi 59,7%; gầy còm 7,0%; năm 2011 thể nhẹ cân còn 16,8%; gầy còm 6,6%; nhưng tỷ lệ SDD thể thấp còi 27,5% vẫn xấp xỉ ở mức cao theo phân loại của WHO, đặc biệt là ở vùng miền núi, dân tộc ít người [2]. Trẻ em miền núi, vùng dân tộc ít người chịu nhiều thiệt thòi trong chăm sóc dinh dưỡng cũng như chăm sóc sức khỏe (CSSK) và khả năng tiếp cận các dịch vụ CSSK. Theo nghiên cứu của Nguyễn Thị Hải Anh, Lê Thị Hợp cho thấy khu vực nơi chủ yếu là đồng bào Dao và H’mông sinh sống, tỷ lệ SDD rất cao: 50% thể nhẹ cân, 67,7% thể thấp còi và 14,9% là thể gầy còm [3]. Nghiên cứu của Đinh Thị Thu Phương về TTDD của các bà mẹ dân tộc Thái của huyện Văn Chấn, Yên Bái năm 2011 cho thấy tỷ lệ SDD thể nhẹ cân là 16,2%; thể thấp còi là 31,1% và thể gầy còm là 3,2% [4]. Thiếu kiến thức nuôi dưỡng trẻ và thiếu nguồn thực phẩm cho cải thiện dinh dưỡng là hai nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng SDD trẻ em tại Việt Nam, đặc biệt là các vùng miền núi. Vì vậy, Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng 2001 – 2010 đã coi: “Giáo dục và phổ cập kiến thức dinh dưỡng cho toàn dân”; “Đảm bảo an ninh thực phẩm ở cấp hộ gia đình”; và “Phòng chống SDD protein năng lượng ở bà mẹ và trẻ em”, là các giải pháp quan trọng trong cải thiện tình trạng dinh dưỡng của nhân dân. Đồng thời, trong Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, cũng xác định: “truyền thông, giáo dục dinh dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực” và “cải thiện an ninh dinh dưỡng, thực phẩm hộ gia đình” là những hoạt động chủ yếu để thực hiện các mục tiêu của chiến lược quốc gia này [5]. Chiêm Hoá là huyện miền núi thuộc tỉnh Tuyên Quang, với khoảng trên 13,8 vạn dân trong đó dân tộc thiểu số chiếm trên 80%, chủ yếu là dân tộc Tày. Từ năm 1994, nhờ có chương trình phòng chống SDD trẻ em và sự nỗ lực của các ban ngành địa phương, tỷ lệ SDD của Tuyên Quang đã giảm nhiều, từ 40,9% (1999), xuống còn 22,9% (2009), nhưng vẫn là tỉnh có tỷ lệ SDD cao so với cả nước (18,9% – 2009), đặc biệt là SDD thể thấp còi (CC/T) vẫn còn rất cao (32,8% – 2009). Năm 2010, Nguyễn Thị Thanh Thuấn nghiên cứu trên trẻ em dưới 5 tuổi dân tộc Tày tại 2 xã Xuân Quang và Hùng Mỹ của huyện Chiêm Hóa đã cho thấy SDD ở 3 thể nhẹ cân, thấp còi và gầy còm tương ứng là 23,3%; 30,1% và 11,2% [6].
Tuy vậy, cho đến nay, ngoài các hoạt động chung của Chương trình phòng chống SDD quốc gia, ở địa phương này hầu như chưa có một can thiệp cải thiện TTDD trẻ em nào khác. Xuất phát từ thực tế nói trên, đề tài “Tác động của truyền thông giáo dục dinh dưỡng và sử dụng nguồn thực phẩm sẵn có tại địa phương đến kiến thức, thực hành nuôi dưỡng trẻ và tình trạng dinh dưỡng của trẻ em dưới 5 tuổi tại xã Xuân Quang, huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang” được tiến hành nhằm mục tiêu:
1. Đánh giá tác động của truyền thông giáo dục dinh dưỡng đến kiến thức, thực hành nuôi trẻ dưới 5 tuổi của bà mẹ tại xã Xuân Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang.
2. Đánh giá tác động của truyền thông giáo dục dinh dưỡng và sử dụng nguồn thực phẩm sẵn có tại địa phương đến đến tình trạng dinh dưỡng của trẻ dưới 5 tuổi tại xã Xuân Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang.
MỤC LỤC
ĐẶT VẤN ĐỀ 1
CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN 3
1.1. Một số khái niệm về TTDD và SDD 3
1.2. Nguyên nhân và các yếu tố ảnh hưởng đến tình trạng SDD 4
1.3. Hậu quả của SDD protein – năng lượng 11
1.4. Tình hình SDD trẻ em dưới 5 tuổi trên thế giới và ở Việt Nam 13
1.4.1. Trên thế giới 13
1.4.2. Ở Việt Nam 14
1.5. Hoạt động phòng chống SDD ở trẻ em 18
1.6. Phương pháp đánh giá TTDD trẻ em 19
1.6.1. Các số đo nhân trắc 19
1.6.2. Cách nhận định kết quả 20
CHƯƠNG 2: ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 23
2.1. Địa điểm, thời gian, đối tượng nghiên cứu 23
2.2. Phương pháp nghiên cứu 24
2.3. Phương pháp thu thập số liệu 26
2.4. Phương pháp xử lý và phân tích số liệu 27
2.5. Khía cạnh đạo đức trong nghiên cứu 28
CHƯƠNG 3: KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU 29
3.1. Thông tin chung 29
3.2. Một số kiến thức, thực hành dinh dưỡng của bà mẹ 32
3.3. Tình trạng dinh dưỡng trẻ <5 tuổi 45
CHƯƠNG 4: BÀN LUẬN 47
4.1. Một số kiến thức, thực hành dinh dưỡng của bà mẹ 48
4.2. Tình trạng dinh dưỡng trẻ <5 tuổi 55
KẾT LUẬN 58
KHUYẾN NGHỊ 60
TÀI LIỆU THAM KHẢO

Leave a Comment