TÁC DỤNG CỦA CHÂM CỨU VÀO GIAI ĐOẠN TRƯỚC VÀ SAU KHI CHUYỂN PHÔI TRÊN BỆNH NHÂN THỤ TINH TRONG ỐNG NGHIỆM
TÁC DỤNG CỦA CHÂM CỨU VÀO GIAI ĐOẠN TRƯỚC VÀ SAU KHI CHUYỂN PHÔI TRÊN BỆNH NHÂN THỤ TINH TRONG ỐNG NGHIỆM TẠI KHOA HIẾM MUỘN BỆNH VIỆN HÙNG VƯƠNG
Quan Vũ Ngọc*, Vũ Thị Nhung**, Lý Thái Lộc***, Nguyễn Duy Tài****
TÓM TẮT :
Đặt vấn đề: Từ hơn 30 năm nay người ta đã luôn tìm những phương cách hiện đại giúp tăng cao tỷ lệ thành công của thụ tinh trong ống nghiệm. Phương pháp châm cứu gần đây được nghiên cứu áp dụng trong điều trị vô sinh ở nhiều quốc gia Tây phương. Tuy nhiên, hiệu quả của châm cứu vẫn còn đang được bàn cãi. Ở Việt Nam vẫn chưa ứng dụng châm cứu vào hỗ trợ sinh sản. Đây là lý do thực hiện nghiên cứu này.
Mục tiêu nghiên cứu: So sánh tỷ lệ thụ thai sinh hóa ở 2 nhóm châm thật và giả châm vào giai đoạn trước và sau chuyển phôi trên những bệnh nhân thụ tinh trong ống nghiệm tại khoa Hiếm muộn BV Hùng Vương.
Phương pháp nghiên cứu: Giai đoạn 1: Báo cáo loạt ca xác định tác dụng ngoại ý của châm cứu – Đối tượng: 30 bệnh nhân khám hiếm muộn tình nguyện tham gia. – Phương pháp thực hiện: Châm cứu 20 phút công thức huyệt nghiên cứu. Theo dõi dấu hiệu sinh tồn trước và sau châm cứu, ghi nhận các triệu chứng ngoại ý nếu có sau châm và 1 tuần sau. Giai đoạn 2: Thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có đối chứng – mù đôi. – Đối tượng: 68 bệnh nhân thỏa điều kiện nhận vào nghiên cứu, được chia ngẫu nhiên vào 2 nhóm: 34 bệnh nhân vào nhóm giả châm (nhóm 1) và 34 bệnh nhân vào nhóm châm thật (nhóm 2). – Phương pháp thực hiện: Châm cứu được tiến hành 25 phút trước và sau khi chuyển phôi ở cả 2 nhóm. Nhóm châm cứu sử dụng kim châm xuyên qua da. Nhóm giả châm sử dụng kim giả. – Công cụ đánh giá: Có thai sinh hóa.
Kết quả: Giai đoạn 1: Không ghi nhận bất cứ tác dụng ngoại ý nào của châm cứu trên bệnh nhân. Giai đoạn 2: Các yếu tố như tuổi, BMI, phân loại vô sinh, thời gian vô sinh, phác đồ điều trị, số trứng chọc hút, số phôi chuyển… có sự tương đồng giữa hai nhóm. Tỷ lệ có thai sinh hóa, là 50% ở nhóm 2 và 26,5% ở nhóm 1.
Kết luận: Châm cứu không gây ra tác dụng ngoại ý cho bệnh nhân. Châm cứu trước và sau chuyển phôi làm tăng tỷ lệ thụ thai trên bệnh nhân làm IVF so với nhóm giả châm. Sự khác biệt này giữa 2 nhóm có ý nghĩa thống kê (p = 0,04).
Hy vọng sẽ giúp ích cho các bạn, cũng như mở ra con đường nghiên cứu, tiếp cận được luồng thông tin hữu ích và chính xác nhất