Tại sao bị nóng gan và những lưu ý trong ăn uống
Nóng gan (hay nóng trong) là một biểu hiện bệnh lý ở những người đang mắc bệnh gan. Nguyên nhân là do chức năng thải độc của gan và chức năng bài tiết của thận bị suy giảm.
Các triệu chứng điển hình của bệnh nóng gan
Người ta thường dùng từ nóng trong hoặc nóng gan để chỉ tình trạng hoạt động chức năng gan giảm hiệu quả, gây nên các biểu hiện bệnh lý bên ngoài như nhiệt miệng, phát ban, nổi mụn…
Nóng gan gồm nhiều triệu chứng biểu hiện ra ngoài, chủ yếu trên da
● Nổi mẩn đỏ và ngứa: Trên da xuất hiện nhiều vết mẩn đỏ và ngứa như dị ứng. Triệu chứng này thường xuất hiện đột ngột và biến mất sau một vài giờ khi nhiệt độ cơ thể ổn định trở lại
● Nổi mề đay: Các nốt mề đay nổi lên trên bề mặt da, sần cục, dày. Triệu chứng này có thể gây ngứa ít hoặc không ngứa.
● Bạn bị nổi mụn ở mặt, ngực hay lưng. Điều này xảy ra khi chức năng gan giảm, khả năng thải loại độc tố kém gây mụn nhọt kèm ngứa. Gan yếu cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây mụn hiện nay.
● Thay đổi màu da: Nóng gan, chức năng gan suy giảm khiến Bilirubin không được chuyển hoá, tích tụ trong máu và làm da chuyển sang màu vàng.
● Hơi thở có mùi khó chịu: Gan tổn thương sẽ sản sinh nhiều Ammonia – chất làm hơi thở có mùi hôi.
● Phân và nước tiểu thay đổi: Người bệnh nóng gan thường có nước tiểu màu vàng đậm, phân có màu bạc hơn do bilirubin không được chuyển hoá và lọc chủ yếu qua thận xuống bàng quang và hoà vào nước tiểu.
● Triệu chứng khác: Khô môi, môi đỏ, chảy máu chân răng bất thường, mất ngủ về đêm, nhiệt miệng…
Nguyên nhân khiến nóng gan thường gặp
Có nhiều nguyên nhân gây nóng gan, thường chia thành 2 nhóm
Nguyên nhân nóng gan từ bên trong
Do hoạt động của các cơ quan quá yếu không thể thải các chất độc sinh ra trong quá trình chuyển hóa. Gan và thận suy yếu khiến chức năng thanh lọc không đủ khả năng giải độc. Điều này khiến chất độc tích tụ làm phát sinh mụn nhọt, mẩn ngứa, dị ứng.
Nguyên nhân nóng gan từ bên ngoài
- Sử dụng nhiều loại hóa chất (ví dụ phải sử dụng nhiều thuốc do bị bệnh).
- Uống nhiều rượu bia, hút nhiều thuốc lá: Khi sử dụng quá nhiều chất kích thích sẽ dẫn đến các bệnh về gan như men gan tăng, viêm gan…
- Ăn uống không điều độ, ăn những thức ăn quá nhiều năng lượng như: thức ăn cay, nóng, chất béo, chất đạm, đồ ngọt,… Năng lượng thừa bị đốt cháy làm tăng chuyển hóa cơ bản nên sinh nhiệt trong cơ thể gây nóng
- Làm việc trong môi trường ô nhiễm và thời tiết nóng bức…
Những lưu ý trong ăn uống phòng ngừa nóng gan
Để phòng ngừa bệnh nóng gan, bạn cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng hàng ngày. Nguyên tắc, nên ăn nhiều thức ăn thanh đạm mát gan, phòng ngừa các loại đồ khó tiêu, đầu nhiều dầu mỡ…
Chất đạm – Ăn 1 lượng vừa đủ tránh áp lực quá sức lên gan
Đây là dưỡng chất thiết yếu đối với người bệnh viêm gan. Mỗi người cần bảo đảm 1g protein/kg cơ thể/ngày. Trong đó 50% lượng protein này do ngũ cốc và rau quả cung cấp. Vì thế chỉ còn 50% là lấy từ nguồn đạm động vật như thịt, cá, trứng, sữa hoặc đạm thực vật như đậu phụ, đậu nành…
Như vậy đồng nghĩa, mỗi ngày chỉ cần ăn 200g cá hoặc 100g thịt nạc, trứng và 1 cốc sữa là đủ.
Chất béo, thủ phạm hàng đâu gây nóng gan
Người bệnh gan nên giảm chất béo, kiêng các món xào rán, nhưng không có nghĩa là kiêng hẳn. Một nghiên cứu cho thấy: ăn nhiều chất béo cùng với giảm protein và bột đường làm gia tăng quá trình xơ gan ở người viêm gan C. Trong khi đó, một nghiên cứu khác chỉ ra rằng chất lecithin có nhiều trong lòng đỏ trứng gà và đậu mè chứa nhiều acid béo, omega 3 rất tốt cho người mắc bệnh viêm gan mạn tính.
Trứng gà tốt cho bệnh gan, người bị nóng gan
Có nhiều ý kiến cho rằng nên kiêng trứng. Tuy nhiên thực tế, lòng trắng trứng chứa nhiều methionin, eytein, eystin là các acid amin có tác dụng bảo vệ gan. Lòng đỏ trứng giàu phosphatidylcholin (lecithin) rất tốt cho gan. Bên cạnh đó trứng chứa lượng vitamin nhóm B dồi dào, nếu 1 ngày ăn 1 lòng đỏ trứng gà có nghĩa là đáp ứng 1/3 nhu cầu vitamin của cơ thể. Trừ những người bị dị ứng trứng, người viêm gan có thể cách ngày ăn một quả trứng luộc.
Vitamin và khoáng chất rất cần cho gan
Các vitamin và khoáng chất rất cần thiết cho gan. Mỗi ngày cần đảm bảo đủ rau quả tươi (rau xanh 200g + củ quả non 1.000g + quả chín tươi 200g).
Cần tránh
- Đồ uống nhiều cồn (rượu, bia…), thuốc lá
- Tránh ăn những thực phẩm ôi thiu, nhiễm hóa chất
- Tránh lao động quá sức.
Người bệnh gan cần chú ý ăn uống hợp lý, không được ăn dư thừa hoặc đưa các chất độc vào cơ thể. Nguyên tắc ăn uống là chọn thức ăn dễ tiêu và không kiêng quá mức bởi sẽ dẫn đến suy kiệt cơ thể.
Benh.vn
Theo Benh.vn