Tật Lỗ Tiểu Thấp – Phác Đồ BV Nhi Đồng 2
I. ĐẠI CƯƠNG
1. Định nghĩa
– Tật lỗ tiểu thấp là hiện tượng lỗ sáo không đóng ở vị trí đỉnh quy đầu như bình thường, mà đóng lệch thấp về phía mặt bụng của dương vật
– 3 tổn thương giải phẫu:
+ Vị trí lỗ sáo thay đổi từ quy đầu đến tầng sinh môn.
+ Thiếu da quy đầu ở mặt bụng dương vật.
+ Thường kèm theo cong dương vật.
2. Tần suất: 1/300 trẻ nam
3. Phân loại
– Về phương diện phẫu thuật người ta phân loại sau khi đã sửa cho dương vật thẳng.
+ Thể trước: lỗ sáo nằm ở vị trí từ dưới khấc quy đầu ra trước.
+ Thể giữa: lỗ sáo nằm ở thân dương vật.
+ Thể sau: lỗ sáo từ vị trí từ giữa chỗ nối dương vật bìu đến tầng sinh môn.
Sơ đồ phân loại tật lỗ tiểu thấp
II. CHẨN ĐOÁN
1. Lâm sàng
– Tật lỗ tiểu thấp thường được chẩn đoán ngay sau sinh. Một số ít trường hợp chỉ phát hiện lỗ tiểu thấp sau khi da quy đầu bình thường đã được tuột ra.
– Lần thăm khám đầu tiên cần đánh giá toàn trạng, tiền sử sản khoa nhằm phát hiện các dị tật phối hợp.
– Khám tật lỗ tiểu thấp cần đánh giá:
+ Vị trí lỗ sáo.
+ Mức độ cong dương vật.
+ Hình dạng của bìu, da quy đầu.
– Xác định vị trí của tinh hoàn 2 bên.
2. Các dị tật phối hợp
– Tinh hoàn ẩn (7-10%): tỉ lệ càng cao ở tật lỗ tiểu thấp thể sau. Bệnh nhân có lỗ tiểu thấp thể sau kèm tinh hoàn ẩn phải được khảo sát karyotype và nội tiết. Phẫu thuật điều trị tinh hoàn ẩn trước khi phẫu thuật tật lỗ tiểu thấp.
– Chuyển vị dương vật bìu. Cần phẫu thuật tật lỗ tiểu thấp trước khi sửa tật chuyển vị.
– Nang tiền liệt tuyến (#20%, di tích ống Muller). Tỉ lệ cao hơn ở tật lỗ tiểu thấp thể sau.
– Thoát vị bẹn 9%.
III. ĐIỀU TRỊ
1. Thời điểm: lý tưởng là 6 – 18 tháng tuổi.
2. Nguyên tắc phẫu thuật
– Chỉnh dương vật thẳng.
– Tạo hình niệu đạo mới và đưa lỗ sáo về đỉnh quy đầu.
– Da che phủ dương vật đủ và thẩm mỹ.
3. Phương pháp phẫu thuật
– Kỹ thuật mổ:
+ Cố gắng giữ sàn niệu đạo nếu có thể.
+ Cố gắng phẫu thuật 1 thì nếu có thể.
+ Vẽ đường mổ trước khi rạch da.
+ Dùng lidocain – Adrenalin 1/100.000 hoặc ga-rô gốc dương vật giúp hạn chế chảy máu, dễ phẫu tích.
– Chỉnh cong dương vật:
+ Cong dương vật do thiếu da mặt bụng dương vật (skin chordee, # 80%).
+ Do thiểu sản mô thể xốp.
+ Do phân bố không đều thể hang dương vật.
– Tạo hình niệu đạo:
+ Phẫu thuật 1 thì:
- Áp dụng cho tất cả tật lỗ tiểu thấp thể trước.
- Các phẫu thuật 1 thì thường dùng Thiersch – Duplay, Snodgrass, Koff, Mathieu, MAGPI, Onlay flap, onlay tube.
+ Phẫu thuật 2 thì: thường được áp dụng đối với tật lỗ tiểu thấp thể sau kèm cong dương vật nặng.
- Thì 1: tạo sàn niệu đạo mới, kèm chỉnh cong dương vật.
Các loại vật liệu có thể dùng:
Da quy đầu và da thân dương vật (phẫu thuật lần đầu).
Phẫu thuật Bracka: dùng niêm mạc miệng, nếu sàn niệu đạo có sẹo xấu nhiều
Trường hợp cong dương vật nặng: dùng mảnh ghép bì kết hợp với tạo sàn niệu đạo mới bằng da quy đầu và da thân dương vật
- Thì 2: tạo hình niệu đạo sẽ được thực hiện ít nhất 6 tháng sau thì 1 khi sàn niệu đạo đã lành hẳn. Các phương pháp có thể áp dụng: Thiersch – Duplay, Snodgrass.
4. Hậu phẫu
– Băng ép 2 – 7 ngày bằng Urgotul.
– Lưu thông tiểu 7 – 14 ngày (Feeding tube hoặc Foley Silicone 8 – 10 Fr).
– Kháng sinh (uống/TM 7 – 14ngày): Claforan 100mg/kg/ngày chia 2 – 3 lần.
– Giảm đau thông thường: Paracetamol 15 mg/kg, dùng 3-4 lần/ngày.
– Chống co thắt trong thời gian còn lưu thông tiểu: Oxybutanyl (Driptane 5mg/viên)0.1 – 0.15 mg/kg x 2lần/ngày.
– Tránh táo bón : Sorbitol, Duphalac,…
IV. THEO DÕI
1. Biến chứng
– Chảy máu.
– Rò niệu đạo.
– Hở vết mổ.
– Hẹp miệng sáo.
– Hẹp niệu đạo.
– Túi thừa niệu đạo.
2. Tái khám
Sau 1 tuần, 1 tháng, 6 tháng. Sau đó, theo dõi đến tuổi trưởng thành.
3. Đánh giá kết quả
– Trẻ có tiểu khó?
– Tia nước tiểu.
– Rò nước tiểu.
– Lành sẹo da dương vật.
Lưu ý: dặn dò bệnh nhân: tái khám ngay khi trẻ tiểu khó, tia nước tiểu yếu, có rò…
Các phương pháp tạo hình niệu đạo 1 thì