THAY ĐỔI KIẾN THỨC TỰ CHĂM SÓC CỦA NGƯỜI BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TÝP 2 NGOẠI TRÚ TẠI BỆNH VIỆN NỘI TIẾT TỈNH YÊN BÁI NĂM 2018 SAU GIÁO DỤC SỨC KHỎE
THAY ĐỔI KIẾN THỨC TỰ CHĂM SÓC CỦA NGƯỜI BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TÝP 2 NGOẠI TRÚ TẠI BỆNH VIỆN NỘI TIẾT TỈNH YÊN BÁI NĂM 2018 SAU GIÁO DỤC SỨC KHỎE
Vũ Thị Hương Nhài1; Vũ Văn Thành2
TÓM TẮT
Mục tiêu: đánh giá sự thay đổi kiến thức tự chăm sóc của người bệnh đái tháo đường týp 2 điều trị ngoại trú tại Bệnh viện Nội tiết tỉnh Yên Bái năm 2018 sau giáo dục sức khỏe. Đối tượng và phương pháp: nghiên cứu can thiệp trên cùng một nhóm đối tượng có so sánh trước sau.
Thu thập số liệu bằng phỏng vấn trực tiếp 108 người bệnh đái tháo đường týp 2 đến khám vàđiều trị ngoại trú tại Bệnh viện Nội tiết tỉnh Yên Bái từ tháng 01 đến tháng 4 – 2018, thông quabộ câu hỏi đánh giá kiến thức tự chăm sóc đái tháo đường. Tư vấn trực tiếp theo nhóm nhỏ từ2 – 4 người, nội dung tư vấn dựa theo khuyến cáo về tự chăm sóc của Hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (2017) và Hướng dẫn Chẩn đoán và Điều trị đái tháo đường týp 2 của Bộ Y tế (2017).
Kết quả: trước can thiệp, tỷ lệ người bệnh có kiến thức tự chăm sóc ở mức đạt 19,4%. Sau can thiệp, tỷ lệ này tăng lên 91,7%. Điểm kiến thức trung bình tăng từ 17,3 ± 3,6 trước can thiệp lên 25,2 ± 2,8 trên tổng số 30 điểm sau can thiệp 1 tháng (khác biệt có ý nghĩa thống kê với p < 0,001).
Kết luận: kiến thức tự chăm sóc của người bệnh đái tháo đường týp 2 điều trị ngoại trú tại Bệnh viện Nội tiết tỉnh Yên Bái được cải thiện đáng kể sau giáo dục sức khỏe
Đái tháo đường (ĐTĐ) là bệnh mạn tính không lây và gia tăng nhanh nhất trên toàn cầu trong thế kỷ 21 [8]. Theo báo cáo của Liên đoàn ĐTĐ Quốc tế (IDF) năm 2017, toàn thế giới có khoảng 425 triệu người mắc bệnh ĐTĐ, tương đương cứ 11 người trưởng thành có 1 người mắc bệnh và có tới hơn 212 triệu người (50%) mắc bệnh ĐTĐ mà không được chẩn đoán [9]. Việt Nam là một trong bốn nước thuộc khu vực Đông Nam Á có tỷ lệ mắc ĐTĐ cao nhất với khoảng 3,5 triệu người trưởng thành (20 – 79 tuổi), có tới 54% không được chẩn đoán, 85% chỉ phát hiện ra bệnh khi đã có biến chứng nguy hiểm [1]. ĐTĐ là gánh nặng lớn cho chính người bệnh, gia đình và toàn xã hội. Cứ 8 giây lại thêm một người tử vong và cứ 30 giây lại có một người bị cắt cụt chi vì bệnh ĐTĐ [9]. Phần lớn các quốc gia phải chi từ 5 – 20% tổng chi phí y tế cho bệnh ĐTĐ