Thừa cân, béo phì và thói quen ăn uống của học sinh lớp 4, 5 tại hai Trường Tiểu học, Thành phố Bắc Giang năm 2020
Thừa cân, béo phì và thói quen ăn uống của học sinh lớp 4, 5 tại hai Trường Tiểu học, Thành phố Bắc Giang năm 2020
Nguyễn Xuân Phương1, Trịnh Bảo Ngọc2
1 Bộ Y tế
2 Trường Đại học Y Hà Nội
Nội dung chính của bài viết
Tóm tắt
Nghiên cứu mô tả cắt ngang được thực hiện trên 400 học sinh lớp 4, 5 tại hai trường tiểu học (Võ Thị Sáu và Ngô Sỹ Liên) tại thành phố Bắc Giang, năm 2020 nhằm mục đích mô tả thực trạng thừa cân, béo phì và thói quen ăn uống của trẻ. Kết quả nghiên cứu cho thấy: Chỉ số BMI trung bình của trẻ là 17,4 ± 2,0 kg/m2, tỷ lệ trẻ bị thừa cân, béo phì là 18,0%. Có 61,3% trẻ có ăn bán trú tại trường; 91,5% trẻ ăn sáng đủ 7 ngày/tuần; có 85,3% trẻ ăn bữa phụ; 34,3% trẻ có ăn bánh kẹo sau 9h tối; 94% trẻ có uống nước ngọt; 75,8% trẻ ăn thức ăn nhanh và chỉ có 23,2% trẻ ăn rau và trái cây hàng ngày. Nguy cơ thừa cân, béo phì tăng gấp 17,9 lần (95%CI: 7,9 – 40,4) ở trẻ ăn bánh kẹo sau 9h tối, gấp 3,6 lần (95%CI: 1,6 – 8,2) ở trẻ có uống nước ngọt, tăng gấp 14,8 lần (95%CI: 5,8 – 47,9) ở trẻ ăn thức ăn nhanh.
Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), dự kiến đến hết năm 2020, trên thế giới có khoảng 60 triệu trẻ em bị thừa cân, béo phì (TC, BP), tương đương với 9,1%.1 Tỷ lệ thừa cân, béo phì gia tăng nhanh ở nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển.2 Trong những năm gần đây, Việt Nam vẫn đang phải đương đầu với thử thách kép về dinh dưỡng, đặc biệt ở các khu vực thành thị, bên cạnh việc khắc phục làm giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thì tình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ trong độ tuổi tới trường đang gia tăng nhanh chóng. Một số nghiên cứu tại một số trường tiểu học tại Hà Nội cho thấy tỷ lệ thừa cân, béo phì năm 2000 ở học sinh tiểu học là 10,4%,3 đến năm 2012 là 11%4 và tăng lên đến 40,6% vào năm 2017.5Bên cạnh đó, những thách thức liên quan tới dinh dưỡng vẫn đang tiếp tục xảy ra ở độ tuổi học đường và xuyên suốt vòng đời, nhất là đối với các bé gái.6 Đây là các vấn đề đáng lo ngại ở lứa tuổi học đường trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, tại Việt Nam, đặc biệt là thành phố Bắc Giang, hiện cũng chưa có nhiều nghiên cứu sâu về thừa cân và béo phì của trẻ ở lứa tuổi này. Chính vì thế, nghiên cứu này được thực hiện nhằm mô tả thực trạng thừa cân, béo phì và thói quen ăn uống của ở trẻ lớp 4 và 5 tại hai trường tiểu học, thành phố Bắc Giang năm 2020