Thực trạng điều kiện vệ sinh bếp ăn tập thể và thực hành vệ sinh bàn tay của người chế biến
Luận văn thạc sĩ y học Thực trạng điều kiện vệ sinh bếp ăn tập thể và thực hành vệ sinh bàn tay của người chế biến tại huyện Ninh Giang Hải Dương năm 2013/ Đặng Văn Nguyên. 2014.Vệ sinh an toàn thực phẩm, vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt, không những ảnh hưởng trực tiếp và thường xuyên đến sức khoẻ nhân dân, đến sự phát triển giống nòi, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sản xuất, xuất khẩu hàng hoá, phát triển du lịch và uy tín quốc gia. Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ tăng cường nguồn lực con người, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và mở rộng quan hệ quốc tế.
Theo Tổ chức y tế thế giới, hàng năm trên thế giới có khoảng 3 – 5 tỷ người bị tiêu chảy, trong đó có 3 – 5 triệu người chết; trẻ em bị mắc bệnh tiêu chảy khoảng 1,4 triệu, trong đó 70% nguyên nhân do sử dụng thực phẩm không an toàn [70].
Tại Việt Nam, số vụ ngộ độc thực phẩm có xu hướng gia tăng. Trong năm 2012, theo thống kê của Cục an toàn vệ sinh thực phẩm, toàn quốc có 168 vụ ngộ độc thực phẩm với 5.541 người mắc, 4.335 người phải nằm viện và 34 người chết. Trong đó tập trung chủ yếu: Gia đình chiếm 51,2% (có 85 vụ); bếp ăn tập thể chiếm 18,5% (có 31 vụ) [12].
Điều đáng chú ý là nhiều vụ ngộ độc thực phẩm hàng loạt vẫn thường xảy ra tại nhiều địa phương kể cả thành thị và nông thôn.
Ở nước ta, đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm đã được Nhà nước coi trọng, Thủ tướng đã có Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 15/04/1999 về việc tăng cường các biện pháp đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Tháng 6/2010 Quốc hội ban hành Luật an toàn vệ sinh thực phẩm số 55/2010/QH12 quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong bảo đảm an toàn thực phẩm; điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm, sản xuất, kinh doanh thực phẩm và nhập khẩu, xuất khẩu thực phẩm; quảng cáo, ghi nhãn thực phẩm; kiểm nghiệm thực phẩm; phân tích nguy cơ đối với an toàn thực phẩm; phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm; thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm; trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Công tác truyền thông, nâng cao kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm cho người sản xuất thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống đã được thực hiện rộng rãi [40].
Bếp ăn tập thể, nơi chế biến cung cấp thực phẩm chín cho một tập thể ăn tại chỗ, phạm vi phục vụ nhỏ, phần lớn không chuyên và tự phát [7], [8].
Tình trạng thiếu trang thiết bị vệ sinh, nhiều vụ ngộ độc thực phẩm do các bếp ăn tập thể với số người mắc rất lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng đến sức khỏe, đến phát triển kinh tế, xã hội; đòi hỏi cải thiện tình trạng vệ sinh, nhận thức và thực hành của người phục vụ, đảm bảo an toàn thực phẩm và chăm sóc sức khỏe cho người được phục vụ.
Từ những thực tế đã nêu ở trên, chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài: “Thực trạng điều kiện vệ sinh bếp ăn tập thể và thực hành vệ sinh bàn tay của người chế biến tại huyện Ninh Giang Hải Dương năm 2013“.
Mục tiêu nghiên cứu:
1. Mô tả điều kiện vệ sinh một số bếp ăn tập thể tại huyện Ninh Giang Hải Dương năm 2013.
2. Khảo sát kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm và thực hành vệ sinh bàn tay của người chế biến tại một số bếp ăn tập thể trên địa bàn nghiên cứu.