Thực trạng loét bàn chân và sử dụng giày, dép của bệnh nhân đái tháo đường tại bệnh viện Nội tiết Trung Ương
“Hãy kiểm soát đái tháo đường ngay từ bây giờ”. Đó là một thông điệp nhân ngày “Thế giới phòng chống đái tháo đường năm 2011” nhằm ứng phó với xu hướng gia tăng nhanh chóng bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) và tình trạng tuổi mắc ngày càng trẻ hóa ở nước ta. Ở Việt Nam, số người mắc bệnh ĐTĐ ngày càng tăng nhanh nhất là ở các đô thị lớn. Theo Mai Thế Trạch và cộng sự (1993), điều tra 5416 người (> 15 tuổi) ở thành phố Hồ Chí Minh thấy tỷ lệ mắc ĐTĐ là 2,52% [14]. Năm 2000 tiến hành điều tra trên 2017 người (> 16 tuổi) tại Hà Nội, Tô Văn Hải và cộng sự (CS) thấy tỷ lệ mắc ĐTĐ là 3,6%. Tạ Văn Bình và CS (2001), khi điều tra các thành phố lớn là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh thấy rằng tỷ lệ ĐTĐ là 4,9% và tỷ lệ người có nguy cơ phát triển thành ĐTĐ là 38,5% [6]. Năm 2002, bệnh viện Nội tiết Trung Ương tiến hành điều tra trên qui mô toàn quốc thấy tỷ lệ mắc ĐTĐ trên toàn quốc là 2,7%, khu vực thành phố là 4,4%, miền núi và trung du là 2,1% và ở đồng bằng là 2,7% [5].
Loét bàn chân (LBC) là một biến chứng của ĐTĐ. Đó là một biến chứng mãn tính, lâu dài, điều trị tốn kém, là nguyên nhân quan trọng của nhiễm trùng và cắt cụt chi. Hậu quả của LBC không những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, kinh tế, chất lượng sống của người bệnh và gia đình mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế toàn xã hội. Theo Tổ chức Y tế thế giới tháng 3 năm 2005, 15% số người bệnh đái tháo đường có bệnh lý về bàn chân, 20% trong số họ nhập viện hàng năm là do LBC [17]. Tỷ lệ tổn thương bàn chân ĐTĐ đã được báo cáo là 4,75% tại Hy Lạp (theo Papanas N., and Maltezos E. 2009) [31]. Theo Bakkerk và Foster AVA (2005), người ta ước tính rằng cứ 30 giây trôi qua thì có một chi dưới lại bị cắt cụt do bệnh ĐTĐ. LBC do ĐTĐ là nguyên nhân hàng đầu của cắt cụt chi không do chấn thương ở phương Tây. Tỷ lệ cắt cụt chi ở bệnh nhân ĐTĐ cao gấp 15 lần so với các đối tượng không bị ĐTĐ [31]. Ở Việt Nam, theo nghiên cứu(NC) của Nguyễn Thị Lạc (2011) trên 1156 bệnh nhân bị ĐTĐ ở Sóc Trăng, thấy tỷ lệ LBC là 8,6%, tỷ lệ cắt cụt chi chiếm 3,5% [10]. Tại bệnh viện Nội tiết Trung Ương [2004] thấy tỷ lệ LBC trên bệnh nhânđến khám lần đầu tại nhóm đối tượng nghiên cứu là 1,2% [3]. Theo dõi từ tháng 6/2004 đến 8/2005 tại bệnh viện Nội tiết Trung Ương thấy 60 bệnh nhân ĐTĐ có LBC nhập viện điều trị, chiếm tỷ lệ 1,9% tổng số bệnh nhân ĐTĐ nhập viện cùng thời gian, trong đó tỷ lệ cắt cụt chi trong số 60 bệnh nhân đái tháo đường có LBC kể trên là 51% [12].
Do hiểu biết và nhận thức của bệnh nhân ĐTĐ về bệnh ĐTĐ tăng lên cộng thêm điều kiện kinh tế ngày càng phát triển nên nhu cầu được điều trị LBC hiệu quả ngày càng tăng cao. Bệnh nhân ĐTĐ ngoài việc kiểm soát tốt đường huyết, chế độ dinh dưỡng và lối sống hợp lý còn cần được chăm sóc bàn chân đúng cách, toàn diện. Để chăm sóc bàn chân bệnh nhân ĐTĐ tốt, bệnh nhân cần có giày, dép thích hợp (đặc biệt trên những bệnh nhân ĐTĐ kèm theo mất cảm giác) [21] [22] [23]. Ở Việt Nam, việc sử dụng giày, dép hỗ trợ điều trị LBC còn khá mới đối với cả bệnh nhân ĐTĐ và các bác sĩ điều trị. Hiện nay vẫn chưa có nghiên cứu nào về vấn đề này. Việc thiết kế sản xuất giày, dép cho bàn chân ĐTĐ chưa có nhiều mặc dù hiệu quả của nó đã được chứng minh. Chính vì vậy chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài: “Thực trạng loét bàn chân và sử dụng giày, dép của bệnh nhân đái tháo đường tại bệnh viện Nội tiết Trung Ương” với các mục tiêu sau:
1. Mô tả thực trạng loét bàn chân của bệnh nhân đái tháo đường tại Bệnh viện Nội tiết Trung Ương năm 2012 và một số yếu tố liên quan.
2. Mô tả việc sử dụng giày, dép của bệnh nhân đái tháo đường tại bệnh viện Nội tiết Trung Ương và một số yếu tố liên quan.
MỤC LỤC
ĐẶT VẤN ĐỀ 12
CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN TÀI LIỆU 14
1.1. Bệnh Đái tháo đường và các biến chứng mãn tính 14
1.2. Biến chứng loét bàn chân do đái tháo đường 16
1.3. Tầm quan trọng của sử dụng giày, dép trong chăm sóc, hỗ trợ điều trị
loét bàn chân bệnh nhân ĐTĐ 27
CHƯƠNG 2: ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 42
2.1. Địa điểm nghiên cứu 42
2.2. Đối tượng nghiên cứu 42
2.3. Phương pháp nghiên cứu 44
2.4. Các biến số, chỉ số nghiên cứu 45
2.5. Xử lý và phân tích số liệu 50
2.6. Sai số và khống chế sai số 51
2.7. Thời gian nghiên cứu: từ 01/04/2012 – 31/10/2012 51
2.8. Đạo đức nghiên cứu 51
CHƯƠNG 3: KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU 52
3.1. Đặc điểm đối tượng NC 52
3.2. Thực trạng LBC và một số yếu tố ảnh hưởng 57
3.3. Thực trạng sử dụng giày dép của đối tượng NC và một số yếu tố liên quan 64
CHƯƠNG 4: BÀN LUẬN 76
4.1. Đặc điểm của đối tượng NC 76
4.2. Đặc điểm loét bàn chân và một số yếu tố ảnh hưởng 79
4.3. Thực trạng sử dụng giày dép của đối tượng NC và một số yếu tố liên quan 84
KẾT LUẬN 91
KIẾN NGHỊ 93
TÀI LIỆU THAM KHẢO PHỤ LỤC
Thông tin này hy vọng sẽ gợi mở cho các bạn hướng tìm kiếm và nghiên cứu hữu ích