Thực trạng ốm đau của người dân tại 2 xã có và không trồng và chế biến thuốc lá tại huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên
Tác hại của thuốc lá đã được khẳng định trong rất nhiều y văn và tài liệu đã xuất bản ở nhiều nước trên thế giới. Tác hại của việc sản xuất và sử dụng các sản phẩm thuốc lá đến sức khỏe cộng đồng, phát triển kinh tế, môi trường và các vấn đề xã hội là mối quan tâm lo ngại đối với nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam.
Các nghiên cứu dịch tễ học cũng chỉ rõ thuốc lá là nguyên nhân của nhiều loại bệnh nguy hiểm như ung thư phổi, bệnh phổi mạn tính, nhồi máu cơ tim và hàng loạt các vấn đề sức khỏe khác. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (TCYTTG), hàng năm có trên 4 triệu người chết do các bệnh liên quan đến thuốc lá, dự tính đến năm 2030 sẽ có khoảng 10 triệu người chết vì khói thuốc lá mỗi năm, trong đó 70% là ở các nước đang phát triển [1], [15].
Tại Việt Nam, theo dự báo của TCYTTG có khoảng 10% dân số Việt Nam sẽ tử vong sớm do các bệnh liên quan đến thuốc lá và một nửa số các trường hợp tử vong là ở độ tuổi lao động, dự báo đến năm 2020 số người chết vì thuốc lá sẽ nhiều hơn tổng số người chết do HIV/AIDS, lao, tai nạn giao thông đường bộ [6]. Theo ước tính của TCYTTG hàng năm có khoảng 40.000 người tử vong do thuốc lá, dự báo vào năm 2030, con số này sẽ tăng lên tới 70.000 người mỗi năm [25].
Mặt dù tỷ lệ tử vong vì thuốc lá ngày càng tăng, nhưng số lợi nhuận khổng lồ đem lại cho ngành công nghiệp thuốc lá cũng như đóng góp cho ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm và thu nhập cho một bộ phận người lao động là bài toán đặt ra với chính phủ các nước, trong đó có Việt Nam.
Để tối đa hóa lợi nhuận, ngành công nghiệp thuốc lá luôn khuyến khích các quốc gia nhất là các nước đang phát triển cũng như người nông dân những nước này trồng ngày càng nhiều cây thuốc lá, coi thuốc lá là thứ có thể mang lại sự thịnh vượng cho người nông dân, cộng đồng và đất nước. Theo thống kê của Ngân hàng thế giới (WB), trên thế giới có khoảng hơn 100 quốc gia trồng thuốc lá và khoảng 33 triệu người tham gia công việc trồng cây thuốc lá [15]. Việt Nam là quốc gia đang phát triển có điều kiện khí hậu nhiệt đới thuận lợi cho việc trồng thuốc lá và cũng đang là đích đến của các công ty thuốc lá. Theo thống kê, hiện nay Việt Nam có trên 200.000 nông dân trồng thuốc lá và hàng trăm ngàn lao động trong các lĩnh vực dịch vụ, thương mại liên quan đến thuốc lá [2].
Do những tác động tiêu cực của thuốc lá tới mọi mặt của đời sống con người, nên hiện nay hầu hết chính phủ các nước đã xây dựng chính sách quốc gia về kiểm soát thuốc lá, trong đó mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia là bảo vệ đến sức khỏe mọi người. Mặc dù với mức độ quan tâm khác nhau do có điều kiện khác nhau về kinh tế, văn hóa, chính trị, nhưng đều với mục đích làm giảm sự đau đớn về thể xác và những mất mát về tinh thần tạo ra bởi gánh nặng bệnh tật và tử vong do thuốc lá gây nên. Tại Việt Nam, một loạt các văn bản pháp quy về kiểm soát thuốc lá đã được Chính phủ phê duyệt, trong đó đặc biệt quan trọng là Việt Nam đã tham gia ký Công ước khung của Tổ chức Y tế thế giới về kiểm soát thuốc lá đưa ra ngày 11/11/2004 [11].
Hiện nay những nghiên cứu về thuốc lá tại Việt Nam vẫn chủ yếu là nghiên cứu về vấn đề tác hại của hút thuốc lá, vẫn còn rất ít nghiên cứu đề cập đến nguy cơ sức khỏe liên quan đến trồng và chế biến thuốc lá. Để góp phần cung cấp các thông tin đáng tin cậy về nguy cơ sức khỏe liên quan đến trồng, và chế biến thuốc lá, chúng tôi thực hiện đề tài: “Thực trạng ốm đau của người dân tại 2 xã có và không trồng và chế biến thuốc lá tại huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên”, nhằm mục tiêu sau:
1. Mô tả thực trạng ốm đau của người dân 2 xã có và không trồng, chế biến thuốc lá tại huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên, năm 2010.
2. Phân tích mối liên quan giữa ốm đau với trồng, chế biến thuốc lá và một số yếu tố dân số, kinh tế văn hóa xã hội và hành vi của người dân 2 xã huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên.
MỤC LỤC
ĐẶT VẤN ĐỀ 1
Chương I: TỔNG QUAN 3
1.1. ẢNH HƯỞNG CỦA THUỐC LÁ 3
1.1.1. Ảnh hưởng của thuốc lá đối với sức khỏe 3
1.1.2. Ảnh hưởng của thuốc lá đối với môi trường 9
1.1.3. Ảnh hưởng của thuốc lá đối với kinh tế – xã hội 12
1.2. TÌNH HÌNH TRỒNG VÀ CHẾ BIẾN THUỐC LÁ 15
1.2.1. Tình hình trồng và chế biến thuốc lá trên thế giới 15
1.2.2. Tình hình trồng và chế biến thuốc lá ở Việt Nam 19
1.3. TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VỀ TRỒNG THUỐC LÁ VÀ SỨC
KHỎE CỦA NGƯỜI NÔNG DÂN TRỒNG THUỐC LÁ 21
1.3.1. Một số nghiên cứu của nước ngoài 21
1.3.2. Một số nghiên cứu trong nước 23
Chương II: ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 26
2.1. ĐỊA ĐIỂM NGHIÊN CỨU 26
2.2. ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU 28
2.3. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 28
2.3.1. Thiết kế nghiên cứu 28
2.3.2. Cỡ mẫu và cách chọn mẫu 28
2.3.3. Tiêu chuẩn loại trừ đối tượng nghiên cứu: 30
2.3.4. Quy trình thu thập số liệu 30
2.3.5. Công cụ thu thập số liệu 31
2.3.6. Xử lý và phân tích số liệu 31
2.4. CHỈ SỐ NGHIÊN CỨU, PHƯƠNG PHÁP VÀ CÔNG CỤ THU
THẬP THÔNG TIN 32
2.5. MỘT SỐ KHÁI NIỆM, ĐỊNH NGHĨA VÀ TIÊU CHUẨN SỬ DỤNG
TRONG NGHIÊN CỨU 34
2.6. KHỐNG CHẾ SAI SỐ TRONG NGHIÊN CỨU 35
2.7. ĐẠO ĐỨC TRONG NGHIÊN CỨU 35
2.8. THỜI GIAN NGHIÊN CỨU 36
2.9. HẠN CHẾ TRONG NGHIÊN CỨU 36
Chương III: KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU 37
3.1. THÔNG TIN CHUNG VỀ ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU 37
3.2. THÔNG TIN VỀ TRỒNG VÀ CHẾ BIẾN THUỐC LÁ 42
3.3. THỰC TRẠNG ỐM ĐAU CỦA NGƯỜI DÂN 2 XÃ 48
3.3.1. Tình hình mắc các triệu chứng cấp tính 48
3.3.2. Tình hình mắc các bệnh mãn tính 51
3.4. MỐI LIÊN QUAN GIỮA ỐM ĐAU VỚI TRỒNG, CHẾ BIẾN
THUỐC LÁ VÀ MỘT SỐ YẾU TỐ DÂN SỐ, KINH TẾ XÃ HỘI VÀ HÀNH VI 55
Chương IV: BÀN LUẬN 65
4.1. Thực trạng ốm đau của người dân 2 xã có và không trồng, chế biến
thuốc lá 66
4.2. Mối liên quan giữa ốm đau và một số yếu tố dân số, kinh tế, văn hóa
xã hội và hành vi 70
KẾT LUẬN 75
KHUYẾN NGHỊ 77
TÀI LIỆU THAM KHẢO PHỤ LỤC
Thông tin này hy vọng sẽ gợi mở cho các bạn hướng tìm kiếm và nghiên cứu hữu ích