THỰC TRẠNG RỐI LOẠN TĂNG ĐỘNG GIẢM CHÚ Ý TẠI KHOA TÂM THẦN BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
THỰC TRẠNG RỐI LOẠN TĂNG ĐỘNG GIẢM CHÚ Ý TẠI KHOA TÂM THẦN BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
Trần Nguyễn Ngọc1,2, Dương Minh Tâm1,2
1 Đại học Y Hà Nội
2 Viện Sức Khỏe Tâm Thần – Bệnh Viện Bạch Mai
Nội dung chính của bài viết
Tóm tắt
Chúng tôi thực hiện nghiên cứu với mục tiêu mô tả thực trạng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) ở khoa Tâm thần bệnh viện Nhi trung ương. Nghiên cứu sử dụng phương pháp mô tả cắt ngang, thực hiện trên 67 trẻ được chẩn đoán xác định là rối loạn tăng động giảm chú ý theo tiêu chuẩn chẩn đoán của DSM – V tại khoa Tâm thần bệnh viện Nhi trung ương. Kết quả cho thấy phần lớn trẻ ADHD được chẩn đoán ở độ tuổi 6 – 10 tuổi và trung bình là 7,3 ± 1,3. Có 6,0% trẻ nhẹ cân và 13,4% trẻ sinh thiếu tháng. Có tới 32,8% trẻ được sinh mổ và 1,5% trẻ có can thiệp forceps. Rối loạn tâm thần phối hợp thường gặp là rối loạn giao tiếp (53,7%), tiếp theo là rối loạn bướng bỉnh chống đối (38,8%). 2 rối loạn ít gặp nhất và cùng tỷ lệ 7,5% là các dấu hiệu trầm cảm, lo âu và rối loạn Tic. Đa phần trẻ ADHD có chỉ số IQ mức độ trung bình với tỷ lệ 44,8% và có tới 13,4% trẻ chậm phát triện trí tuệ.
Rối loạn tăng động giảm chú ý là một rối loạn tâm thần phổ biến ở trẻ em. Theo Thomas và cộng sự (2015) ước tính tỷ lệ mắc rối loạn này trên toàn thế giới ở trẻ từ 18 tuổi trở xuống là 7,2%.1Rối loạn đặc trưngbởi ba nhóm triệu chứng giảm chú ý và hoặc tăng động/xung động, khởi phát trước 12 tuổi, tồn tại ở ít nhất hai môi trường khác nhau (ví dụ: gia đình, trường học, nơi làm việc, với bạn bè hoặc người thân, trong các hoạt động khác…). Triệu chứng của rối loạn tăng động giảm chú ý là sự không đồng nhất giữa các cá nhân, sự không đồng nhất góp phần vào sự khác biệt trong việc đưa ra phương pháp điều trị. Sự hiểu biết tinh vi hơn về đặc điểm triệu chứng trong rối loạn giúp có được phương pháp điều trị hiệu quả nhất.2Biểu hiện tăng động trong rối loạn tăng động giảm chú ý thường đa dạng và dễ nhận thấy, biểu hiện giảm chú ý trong rối loạn tăng động giảm chú ý cũng đa dạng nhưng khó nhận thấy dẫn đến chậm chẩn đoán ở trẻ từ đó ảnh hưởng tới hiệu quả điều trị cũng như chất lượng cuộc sống của trẻ.3Hơn một nửa số trẻ mắc rối loạn tăng động giảm chú ý có các bệnh lý tâm thần khác đi kèm, các vấn đề hành vi, những khó khăn trong học tập, lo âu và trầm cảm. Nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằngtrẻ em mắc rối loạn tăng động giảm chú ý có nguy cơ gia tăng các rối loạn nhân cách phát triển sau này, tình trạng loạn thần, lạm dụng chất và hành vi tội phạm. Trẻ mắc rối loạn tăng động giảm chú ý có các rối loạn tâm thần phối hợp làm phức tạp bệnh cảnhlâm sàng, những rối loạn phối hợp này cần được điều trị đồng thời. Với mong muốn tìm hiểu tình hình hiện nay về trẻ tăng động giảm chú ý nên chúng tôi tiến hành đề tài “Thực trạng rối loạn tăng động giảm chú ý tại khoa Tâm thần bệnh viện Nhi Trung ương” với mục tiêu là “mô tả thực trạng rối loạn tăng động giảm chú ý tại khoa Tâm thần bệnh viện Nhi Trung ương”.
Nguồn: https://luanvanyhoc.com