THỰC TRẠNG TIỀN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG VÀ HIệU QUả CAN THIệP CÓ Bổ SUNG METFORMIN Ở NGƯỜI CÓ BMI > 23 kg/m2 TẠI THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG NĂM 2012 – 2014
Bệnh đái tháo đường typ 2 là một trong những bệnh mạn tính phổ biến trên thế giới, đang gia tăng nhanh chóng và trở thành một vấn đề sức khỏe cộng đồng đáng quan tâm, đặc biệt đối với các nước đang phát triển. Theo Liên đoàn đái tháo đường thế giới (IDF), năm 2011 số người bị đái tháo đường trên toàn thế giới là 366 triệu người, dự đoán số người mắc bệnh sẽ tăng lên 552 triệu người vào năm 2030, tập trung ở các nước đang phát triển do sự tăng lên nhanh chóng của việc tiêu thụ thực phẩm giầu năng lượng, của lối sống ít vận động và sự đô thị hóa. Tại các nước này, tỷ lệ người béo phì, đái tháo đường ngày càng tăng lên, trong khi đó lứa tuổi mắc bệnh ngày càng trẻ hóa. Đây thực sự là hồi chuông báo động đối với các nước đang phát triển [117].
Tiền đái tháo đường bao gồm rối loạn glucose máu lúc đói (Fasting plasma glucose – FPG ) và rối loạn dung nạp glucose (impaired glucose tolerance-IGT) là giai đoạn trung gian của chuyển hóa bất thường glucose máu giữa bình thường và đái tháo đường [110]. Giai đoạn tiền đái tháo đường đã xuất hiện kháng insulin, là giai đoạn khởi đầu trong tiến trình tiến triển thành đái tháo đường typ 2. Nhiều nghiên cứu cho thấy, ngay giai đoạn tiền đái tháo đường đã xuất hiện nhiều biến chứng của bệnh đái tháo đường [22].
Người tiền đái tháo đường có nguy cơ bị đái tháo đường typ 2 cao gấp 3-10 lần người bình thường. Sự phát hiện và can thiệp sớm người tiền đái tháo đường có khả năng làm giảm hoặc làm chậm lại sự tiến triển thành đái tháo đường, các biến chứng mạch máu nhỏ và tim mạch [66].
Nhằm ngăn chặn sự gia tăng của bệnh đái tháo đường trên toàn thế giới, đã có nhiều nghiên cứu can thiệp phòng, chống bệnh ở những đối tượng có nguy cơ cao bị đái tháo đường, đặc biệt người thừa cân, béo phì và tiền đái tháo đường. Các biện pháp can thiệp bao gồm: dinh dưỡng, luyện tập và sử dụng thuốc [6].
Tại Việt Nam, cùng với sự phát triển kinh tế, mô hình bệnh tật đang thay đổi, từ các bệnh lây nhiễm sang các bệnh không lây nhiễm. Tỷ lệ đái tháo đường cũng đang gia tăng nhanh chóng [16]. Theo kết quả điều tra của Bệnh viện Nội tiết Trung ương, trong vòng 10 năm từ năm 2002 đến 2012 tỷ lệ đái tháo đường ở đối tượng 30-64 tuổi đã tăng 200% từ 2,7% lên 5,4%, tiền đái tháo đường từ 7,3% lên 13,7% [2],[48].
Chúng ta cũng đã có những nghiên cứu can thiệp phòng bệnh bằng thay đổi lối sống trên những đối tượng có yếu tố nguy cơ cao mắc bệnh đái tháo đường. Từ nhiều năm nay, Dự án Phòng chống bệnh đái tháo đường quốc gia đã tiến hành sàng lọc phát hiện sớm đái tháo đường, tiền đái tháo đường và thực hiện công tác tư vấn phòng bệnh đối tượng tiền đái tháo đường sau sàng lọc tại cộng đồng. Biện pháp can thiệp phòng bệnh chủ yếu hiện nay là dinh dưỡng và luyện tập không sử dụng thuốc. Tuy nhiên, hiệu quả công tác tư vấn thay đổi lối sống cho người tiền đái tháo đường chưa đạt hiệu quả như mong muốn do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng chủ yếu do sự khó khăn trong việc chấp nhận và duy trì sự thay đổi lối sống của người tiền đái tháo đường.
Do vậy, yêu cầu đặt ra là cần thiết nghiên cứu can thiệp bổ sung thuốc kết hợp thay đổi lối sống đối với các đối tượng có nguy cơ cao bị đái tháo đường nhằm tăng cường hiệu quả công tác phòng bệnh, phù hợp với tình hình thực tiễn tại Việt Nam. Thuốc được lựa chọn nghiên cứu là metformin. Đây là thuốc duy nhất hiện nay được Liên đoàn Đái tháo đường thế giới và Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ khuyến cáo sử dụng phòng bệnh ở những người thừa cân, béo phì mắc tiền đái tháo đường [69].
Hải Phòng là một thành phố lớn có tốc độ phát triển kinh tế nhanh, bệnh béo phì, đái tháo đường cũng đang gia tăng nhanh chóng. Theo các kết quả điều tra dịch tễ học, Hải Phòng là một trong những thành phố có tỷ lệ đái tháo đường cao của cả nước [53]. Vì vậy, yêu cầu thực tiễn cần có sự đánh giá chính xác mức độ ảnh hưởng của các yếu tố nguy cơ tiền đái tháo đường ở người thừa cân, béo phì cũng như xây dựng kế hoạch và biện pháp phòng chống bệnh đái tháo đường tại cộng đồng hiệu quả, phù hợp hơn. Từ nhu cầu thực tiễn, chúng tôi tiến hành nghiên cứu với các mục tiêu sau:
1.Mô tả thực trạng và một số yếu tố liên quan đến tiền đái tháo đường ở đối tượng 30 – 59 tuổi có BMI > 23 kg/m2 tại một số phường thành phố Hải Phòng năm 2012.
2.Đánh giá hiệu quả can thiệp có bổ sung metformin vào chế độ dinh dưỡng, tập luyện ở đối tượng 30 – 59 tuổi có BMI > 23 kg/m2 có tiền đái tháo đường.