THỰC TRẠNG TUÂN THỦ QUY TRÌNH AN TOÀN PHẪU THUẬT VÀ MỘT SỐ YẾU TỐ LIÊN QUAN CỦA NHÂN VIÊN Y TẾ TẠI BỆNH VIỆN DA LIỄU TRUNG ƯƠNG NĂM 2020
THỰC TRẠNG TUÂN THỦ QUY TRÌNH AN TOÀN PHẪU THUẬT VÀ MỘT SỐ YẾU TỐ LIÊN QUAN CỦA NHÂN VIÊN Y TẾ TẠI BỆNH VIỆN DA LIỄU TRUNG ƯƠNG NĂM 2020
Học viên: Phạm Ngọc Độ
Giáo viên hướng dẫn: TS. Lê Thị Hằng
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trên toàn thế giới có trên 230 triệu người bệnh được thực hiện phẫu thuật và khoảng 1 triệu người bệnh tử vong mỗi năm, trong số đó có tới 500.000 người bệnh có thể được cứu sống nếu thực hiện tốt các biện pháp dự phòng an toàn trong phẫu thuật. Đối với các nước đang phát triển nguy cơ này thậm chí còn cao hơn và WHO cảnh báo cần tập trung các biện pháp tích cực để hạn chế nguy cơ này, trong đó, WHO đưa ra giải pháp áp dụng bảng kiểm an toàn phẫu thuật (BKATPT) với 10 mục tiêu về an toàn phẫu thuật (ATPT). Hiện nay, các nghiên cứu về ATPT tại Việt Nam vẫn còn tương đối ít. Mặc dù BKATPT đã được đưa vào sử dụng tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, tuy nhiên chưa có nghiên cứu nào đánh giá việc tuân thủ. Do đó, chúng tôi tiến hành nghiên cứu “Thực trạng tuân thủ quy trình an toàn phẫu thuật và một số yếu tố liên quan của nhân viên y tế tại bệnh viện Da liễu
Trung ương năm 2020” với hai mục tiêu: 1. Mô tả thực trạng tuân thủ quy trình an toàn phẫu thuật của nhân viên y tế (NVYT) và 2. Mô tả một số yếu tố liên quan đến việc tuân thủ quy trình tại bệnh viện Da liễu Trung ương năm 2020.
Nghiên cứu mô tả cắt ngang, kết hợp định lượng và định tính tại bệnh viện Da liễu Trung ương, thời gian từ tháng 3-6/2020. Với nghiên cứu định lượng, chúng tôi tiến hành quan sát ngẫu nhiên hệ thống 217 ca phẫu thuật bằng bảng kiểm đánh giá tuân thủ quy trình ATPT, bảng kiểm được xây dựng trên cơ sở nhân viên y tế có/không thực hiện các mục trong BKATPT. Sau đó, nghiên cứu định tính được thực hiện qua việc phỏng vấn sâu (PVS) 5 đại diện lãnh đạo bệnh viện, khoa phòng và tổ chức 4 cuộc thảo luận nhóm (TLN) với nhân viên y tế tại khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và phục hồi chức năng, các đối tượng lựa chọn PVS và TLN được chọn có chủ đích và thuận tiện. Số liệu được nhập liệu và xử lý bằng phần mềm Epidata 3.1, Excel và SPSS 20.
Kết quả cho thấy tỷ lệ tuân thủ quy trình an toàn phẫu thuật chung là 62,7%. Tỷ lệ tuân thủ cao nhất ở giai đoạn trước khi gây mê/tê với 84,8%, thấp nhất là giai đoạn trước khi rạch da với 77,0%. Tỷ lệ tuân thủ quy trình an toàn phẫu thuật của nhóm bác sĩ phẫu thuật và bác sĩ/kỹ thuật viên gây mê đều là 81,6%, nhóm điều dưỡng thấp hơn với 69,6%. Một số nội dung còn chưa thực hiện tốt, tỷ lệ tuân thủ chưa cao, như đánh giá nguy cơ mất máu ở giai đoạn trước khi gây mê/tê với 47,6%; dự kiến thời gian phẫu thuật và thực hiện hình ảnh chẩn đoán thiết yếu ở giai đoạn trước khi rạch da lần lượt 88,2% và 76,4%; dán nhãn mẫu bệnh phẩm đầy đủ ở giai đoạn trước khi người bệnh rời khỏi phòng phẫu thuật là 80,9%.
Về một số yếu tố liên quan với tuân thủ an toàn phẫu thuật cũng giống một số nghiên cứu trước đây như: Cơ chế quản lý, chính sách khuyến khích động viên nhân viên kịp thời trong việc tuân thủ an toàn phẫu thuật; lãnh đạo bệnh viện quan tâm; nhân viên được đào tạo thường xuyên nên có nhận thức tốt về tuân thủ an toàn phẫu thuật; cơ sở vật chất khang trang, đầy đủ các trang thiết bị đảm bảo thực hiện an toàn phẫu thuật. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng cho thấy một số vấn đề khác với các nghiên cứu trước như: Cơ cấu nhân lực thường xuyên thay đổi, nhiều nhân viên mới không nắm rõ quy trình, nhân viên có nhận thức nhưng do thói quen làm việc, áp lực công việc nên thiếu tính tự giác tuân thủ.
Khuyến nghị: Cần tăng cường giám sát việc thực hiện tuân thủ các mục trong bảng kiểm an toàn người phẫu thuật, đặc biệt là các nội dung có tỷ lệ tuân thủ thấp kể trên. Thường xuyên được đào tạo và tập huấn cho các nhân viên mới về quy trình an toàn phẫu thuật