THỰC TRẠNG VÀ MỘT SỐ YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN VĂN HÓA AN TOÀN NGƯỜI BỆNH CỦA NHÂN VIÊN Y TẾ BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ VIỆT NAM – CU BA NĂM 2020
THỰC TRẠNG VÀ MỘT SỐ YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN VĂN HÓA AN TOÀN NGƯỜI BỆNH CỦA NHÂN VIÊN Y TẾ BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ VIỆT NAM – CU BA NĂM 2020
Học viên: Nguyễn Thị Hương
Giáo viên hướng dẫn: PGS.TS. Hà Văn Như
An toàn người bệnh (ATNB) là sự quan tâm của mỗi quốc gia, mỗi cơ sở y tế, người dân và toàn xã hội. Hội nghị Thượng đỉnh Bộ trưởng Y tế toàn cầu năm 2016 tại London, Vương Quốc Anh đã khởi xướng mục tiêu ATNB và đến tháng 5/2017 tại Geneva, Đại hội đồng y tế Thế giới quyết định lấy ngày 17/9 là ngày “An toàn người bệnh Thế giới” bắt đầu từ năm 2019. Xây dựng văn hoá an toàn người bệnh (VHATNB) là hoạt động không thể thiếu của bất kỳ một cơ sở khám, chữa bệnh nào và là hoạt động thiết thực góp phần nâng cao chất lượng bệnh viện, hạn chế thấp nhất các tai biến điều trị xảy ra (1).
Đây là một nghiên cứu cắt ngang có phân tích, kết hợp phương pháp định lượng và định tính. Nghiên cứu được thực hiện từ tháng 2 đến tháng 11 năm 2020 tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cu Ba, Hà Nội. Mục tiêu của nghiên cứu là mô tả thực trạng và phân tích một số yếu tố ảnh hưởng đến văn hóa an toàn người bệnh của nhân viên y tế Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cu Ba năm 2020. Nghiên cứu định lượng sử dụng Bộ công cụ khảo sát văn hóa an toàn người bệnh phát vấn cho 165 bác sỹ, điều dưỡng/kỹ thuật viên; và thực hiện 12 cuộc phỏng vấn sâu. Số liệu định lượng được phân tích bằng phần mềm SPSS và số liệu định tính được ghi âm, phân tích, tổng hợp theo từng nhóm yếu tố ảnh hưởng.
Kết quả: tỷ lệ đáp ứng tích cực chung với VHATNB của NVYT Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cu Ba là 73,9 %. Các khía cạnh: Làm việc theo êkip trong khoa, Quan điểm và hành động của lãnh đạo khoa về ATNB, Cải tiến liên tục – học tập một cách có hệ thống, Hỗ trợ của lãnh đạo bệnh viện cho ATNB, Phản hồi và trao đổi về sự cố, Làm việc theo ekip giữa các khoa/phòng, Tần suất ghi nhận sự cố và Quan điểm tổng quát về ATNB là những khía cạnh có tỷ lệ đáp ứng tích cực cao.Các khía cạnh:
Trao đổi cởi mở, Nhân sự, Bàn giao và chuyển người bệnh giữa các khoa, Không trừng phạt khi có sự cố là những điểm yếu cần cải thiện. Nhóm có thu nhập trung bình thấp đánh giá mức độ an toàn người bệnh cao hơn nhóm có thu nhập cao (p=0,001), đáp ứng tích cực với VHATNB của nhân viên khối Nội cao hơn khối Ngoại và Cận lâm sàng (p<0,05). Kết quả nghiên cứu định tính cho thấy sự
quan tâm của lãnh đạo, hệ thống quy trình/quy định, đào tạo/tập huấn về an toàn người bệnh giúp thúc đẩy VHATNB. Hệ thống báo cáo sự cố y khoa hoạt động chưa hiệu quả, lưu trữ và tiếp cận hệ thống quy trình/quy định an toàn người bệnh còn nhiều hạn chế, thiếu chế tài khen thưởng – xử phạt và thiếu nhân lực giám sát an toàn người bệnh là những yếu tố ảnh hưởng không tốt đến VHATNB.
Khuyến nghị sau: Bệnh viện cần đẩy mạnh truyền thông về quản lý sự cố y khoa, đặc biệt cho đối tượng bác sỹ và xây dựng chế tài với hoạt động ATNB; tăng khả năng tiếp cận, áp dụng đối với hệ thống quy trình/quy định tại bệnh viện; rà soát, chuẩn hóa quy trình bàn giao và chuyển người bệnh; tăng cường nhân lực cho hoạt động giám sát ATNB.