Thực trạng và một số yếu tố liên quan đến bệnh viêm loét dạ dày hành tá tràng tại Bệnh viện Đa khoa Quôc Tế Hải Phòng năm 2013
Luận văn thạc sĩ y học Thực trạng và một số yếu tố liên quan đến bệnh viêm loét dạ dày hành tá tràng tại bệnh viện đa khoa Quốc tế Hải Phòng năm 2013/ Phạm Mạnh Tiến. 2013.Viêm loét dạ dày hành tá tràng (DDHTT) là trạng thái bệnh lý thường gặp trong các tổn thương của dạ dày tá tràng. Đây cũng là bệnh lý thường gặp ở Việt Nam và trên thế giới. Tỷ lệ mắc bệnh rất cao chiếm khoảng 50% số người có các triệu chứng đau thượng vị, đầy bụng, khó tiêu và 35% người tự nguyện khoẻ mạnh đi soi dạ dày và được chẩn đoán viêm dạ dày mạn tính bằng mô bệnh học [4]. Loét dạ dày hành tá tràng cũng chiếm một tỷ lệ khá cao trong cộng đồng dân cư. Ở miền Bắc Việt Nam có khoảng 5-6% dân số có các triệu chứng của loét dạ dày hành tá tràng. Tỷ lệ trên thế giới cũng nằm trong khoảng 5 -10% dân số mắc bệnh này [1], [10].
Viêm loét DDHTT là bệnh mạn tính, diễn biến bệnh kéo dài, hay tái phát và thường có các biến chứng nguy hiểm như xuất huyết tiêu hoá, thủng dạ dày, hẹp môn vị hay ung thư hoá.. .Viêm loét DDHTT gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống và hiệu suất lao động của người bệnh.
Về cơ chế bệnh sinh của viêm loét dạ dày hành tá tràng là do sự mất cân bằng giữa yếu tố bảo vệ niêm mạc và phá huỷ niêm mạc. Các chất nhầy do các tế bào biểu mô niêm mạc dạ dày chế tiết đóng vai trò là yếu tố bảo vệ dạ dày, còn yếu tố bảo vệ niêm mạc tá tràng là chất tiết của tuyến Brunner chỉ có ở tá tràng. Yếu tố phá huỷ niêm mạc chung của cả dạ dày và tá tràng là dịch vị do các tuyến có ở vùng đáy vị dạ dày chế tiết [4], [10].
Loét dạ dày chủ yếu là suy giảm các yếu tố bảo vệ, trong khi loét hành tá tràng là do tăng yếu tố phá huỷ niêm mạc [4]. Tuy nhiên nguyên nhân nào dẫn đến sự mất cân bằng giữa hai yếu tố trên vẫn còn tranh cãi và có khá nhiều giả thuyết được đưa ra như giả thuyết về vai trò của thần kinh, vai trò thể dịch; đặc biệt thời gian gần đây Helicobacter Pylori được xem là nguyên nhân chủ yếu trong bệnh sinh của loét DDHTT [6], [17], [20].
Có khá nhiều phương pháp chẩn đoán viêm loét DDHTT, tuy nhiên nội soi dạ dày bằng máy nội soi ống mềm là phương pháp được áp dụng khá rộng rãi do tính ưu việt của phương pháp. Nội soi dạ dày ống mềm đơn giản, nhanh chóng và đặc biệt hiệu quả chẩn đoán khá chính xác. Qua nội soi dạ dày, có thể cầm máu, cắt polip và sinh thiết tổn thương ổ loét để chẩn đoán mô bệnh học nhằm phát hiện các trường hợp ác tính, do đó làm giảm điều trị phẫu thuật cho bệnh nhân, giảm chi phí và thời gian điều trị bệnh.
Các yếu tố dịch tễ liên quan đến viêm loét dạ dày hành tá tràng ngày càng được ưu tiên nghiên cứu và thực sự đóng vai trò khá quan trọng trong quá trình xuất hiện cũng như tiến triển của bệnh. Người ta đã nói khá nhiều đến các yếu tố: nghề nghiệp, tuổi, chế độ sinh hoạt, chế độ lao động…
Ngoài ra yếu tố gia đình, nhóm máu, tiền sử bệnh tật cũng được đề cập. Các yếu tố trên đóng vai trò như những nguyên nhân gây tăng cơ chế bệnh sinh của bệnh, tăng nguy cơ mắc bệnh viêm loét dạ dày hành tá tràng trong cộng đồng dân cư.
Đã có khá nhiều các đề tài nghiên cứu về loét dạ dày hành tá tràng, tuy nhiên để tìm hiểu rõ hơn về tỷ lệ viêm loét dạ dày hành tá tràng cũng như tìm hiểu một số yếu tố nguy cơ liên quan đến bệnh, chúng tôi tiến đề tài:
“Thực trạng và một số yếu tố liên quan đến bệnh viêm loét dạ dày hành tá tràng tại Bệnh viện Đa khoa Quôc Tế Hải Phòng năm 2013“.
Đề tài có các mục tiêu sau:
1. Mô tả tỷ lệ viêm loét dạ dày hành tá tràng của bệnh nhân vào nội soi dạ dày tại bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hải Phòng năm 2013.
2. Mô tả một số yếu tố liên quan đến bệnh viêm loét dạ dày hành tá tràng của đối tượng nghiên cứu.