Thực trạng và việc kiểm soát bệnh hen phế quản tại thị xã Chí Linh tỉnh Hải Dương năm 2013

Thực trạng và việc kiểm soát bệnh hen phế quản tại thị xã Chí Linh tỉnh Hải Dương năm 2013

Luận văn thạc sĩ y học Thực trạng và việc kiểm soát bệnh hen phế quản tại thị xã Chí Linh tỉnh Hải Dương năm 2013/ Đặng Đức Thiện. 2014.Hen phế quản (HPQ) là một bệnh gặp khá phổ biến trong cộng đồng, là bệnh do nhiều yếu tố gây nên. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, mọi chủng tộc trên khắp thế giới. Do đặc tính diễn biến mạn tính nên nó ảnh hưởng nhiều đến đời sống sinh hoạt, đến học tập, lao động, kinh tế, sức khỏe của người bệnh, đe dọa tính mạng người bệnh.

Hen phế quản có xu hướng ngày càng tăng trên thế giới cũng như ở Việt Nam do hậu quả của ô nhiễm môi trường, sử dụng thuốc hóa chất bừa bãi, nhịp sống căng thẳng [25], [39], [42]. Bệnh ít gặp hơn ở những vùng khí hậu trong lành như: đồi núi, nông thôn, nhưng tăng theo quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa cùng với khí hậu nóng ẩm. Theo một số nghiên cứu dịch tễ, tỷ lệ mắc HPQ giữa các nước thay đổi từ 1,6% – 10% dân số theo từng nước và có xu hướng gia tăng trong một vài thập kỷ vừa qua, toàn thế giới ước có 300 triệu người bị bệnh, và tỷ lệ tử vong do bệnh HPQ tăng rõ rệt, khoảng 20 – 25 vạn người chết mỗi năm[67]. Ở Việt Nam tỷ lệ mắc HPQ trung bình 4 – 6% dân số và từ năm 1961 đến nay tỷ lệ mắc bệnh tăng lên khoảng trên 3 lần, tương đương với con số khoảng 4 triệu người [1], [3].

HPQ hiện đang là vấn đề sức khỏe mang tính toàn cầu và là một bệnh có tính xã hội thu hút sự quan tâm nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc nhiều chuyên nghành khác nhau như dịch tễ học, sinh lý bệnh học, miễn dịch dị ứng học, dược học…[29], [28], [57]. Trong những năm gần đây sáng kiến phòng chống HPQ toàn cầu “GINA” (Global Initiative For Asthma) được triển khai rộng rãi ở nhiều nước trong đó có Việt Nam, với mục tiêu của chương trình là áp dụng rộng rãi những tiến bộ cho việc tiến tới kiểm soát bệnh HPQ triệt để tại các cộng đồng trong đó khuyến khích điều trị dự phòng hợp lý cho tất cả mọi bệnh nhân và nó được xem như giải pháp chữa trị hữu hiệu căn bệnh này [3], [43], [44]. Tuy nhiên biện pháp điều trị này chưa thật phổ biến rộng rãi ở nhiều cộng đồng, ngay cả ở các nước phát triển với nhiều lý do khác nhau [42], [44].

Hướng theo chương trình này của GINA, việc phòng chống bệnh HPQ bước đầu mới được triển khai ở một số thành phố lớn của nước ta, trên thực tế việc điều trị để kiểm soát bệnh HPQ tại cộng đồng ở các địa phương khác nhau ra sao, nhận thức của người dân và thầy thuốc như thế nào về căn bệnh này nói chung cũng như việc điều trị để kiểm soát bệnh vẫn còn ít được đánh giá [5], [15], [20]. Do đó, việc nghiên cứu đánh giá về tỷ lệ mắc HPQ cũng như điều trị bệnh HPQ tại cộng đồng ở các địa phương đang đặt ra yêu cầu cấp thiết ở nước ta [4], [28], [29].

Chí Linh là một thị xã thuộc tỉnh Hải Dương có đặc điểm là huyện nửa đồng bằng nửa trung du miền núi, tình hình kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn so với các địa phương khác của Hải Dương. Do vậy sự hiểu biết về bệnh tật nói chung cũng như về bệnh HPQ và điều trị bệnh HPQ chắc chắn còn nhiều hạn chế bất cập và cho đến nay chưa có một nghiên cứu nào đánh giá về vấn đề này. Chúng tôi muốn tiến hành nghiên cứu này hy vọng nó sẽ cho thấy một bức tranh hiện thực về bệnh HPQ cũng như quá trình điều trị bệnh như thế nào tại địa phương, kết quả đó cũng sẽ làm cơ sở cho giải pháp can thiệp trong tương lai của ngành y tế địa phương để làm tăng nhận thức của cán bộ y tế, các cấp chính quyền và người dân về bệnh HPQ từ đó giúp cải thiện công tác phòng và chữa bệnh này một cách hiệu quả hơn. Đề tài này có hai mục tiêu như sau:

1.    Mô tả thực trạng mắc bệnh hen phế quản tại thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương năm 2013.

2.    Xác định thực trạng kiểm soát bệnh hen phế quản tại địa phương hiện nay.

Leave a Comment