Thuốc hạ sốt cho người lớn: Hiểu rõ để dùng đúng
Sử dụng các loại thuốc hạ sốt cho người lớn không kê đơn là cách thường làm khi chúng ta cảm thấy cơ thể nóng, sốt và mệt mỏi. Thế nhưng, mỗi loại thuốc hạ sốt sẽ có liều dùng, cách dùng và những điều cần lưu ý khác nhau. Cùng tìm hiểu rõ hơn trong bài viết sau đây nhé!
Sốt là cách cơ thể phản ứng tăng thân nhiệt để chống lại nhiễm trùng, xảy ra ở bất kỳ ai kể cả trẻ em và người lớn. Thân nhiệt tăng cao giúp hệ miễn dịch hoạt động mạnh hơn trước sự “tấn công” của các tác nhân gây nhiễm trùng như vi khuẩn, virus, nấm và khiến chúng khó tồn tại được. Vậy, khi nào thì dùng thuốc hạ sốt cho người lớn, cần có lưu ý gì khi sử dụng?
Nguyên nhân gây sốt
Trung bình, nhiệt độ cơ thể người ở mức 37ºC nhưng con số này có thể dao động khác nhau ở mỗi người. Thân nhiệt bình thường cũng thay đổi nhẹ tùy thuộc vào thời điểm khác nhau trong ngày, chẳng hạn nhiệt độ cơ thể vào buổi chiều thường cao hơn so với buổi sáng ngay sau khi thức dậy. Sau khi ăn no hoặc tập thể dục, thân nhiệt cũng sẽ tăng cao hơn một chút.
Nhìn chung, khi đo thấy nhiệt độ cơ thể từ 38ºC trở lên thì được xác định là bị sốt. Các nguyên nhân phổ biến dẫn đến sốt ở người lớn gồm:
- Nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc virus gây ra
- Các bệnh lý rối loạn viêm như viêm khớp dạng thấp
- Nhiễm trùng hoặc chấn thương não
- Phản ứng của cơ thể với một số loại thuốc hoặc vaccine
- Do có sự tăng sinh tế bào trong một số bệnh ung thư
- Sử dụng chất kích thích bất hợp pháp hoặc đang cai nghiện.
Các loại thuốc hạ sốt cho người lớn
Cách điều trị sốt tốt nhất là điều tri nguyên nhân gây ra tình trạng này. Sốt là phản ứng bảo vệ cơ thể chống lại nhiễm trùng nên có thể không cần điều trị ngay. Tuy nhiên, nếu sốt quá cao hoặc xảy ra ở những người mắc các bệnh lý khác như bệnh tim, phổi thì cần phải hạ sốt ngay.
Các loại thuốc hạ sốt cho người lớn không kê đơn được sử dụng rộng rãi bao gồm:
1. Paracetamol
Paracetamol (hay acetaminophen) là một loại thuốc có tác dụng giảm đau, hạ sốt không kê đơn. Thuốc này thường được khuyến cáo là một trong những lựa chọn điều trị đầu tiên để hạ sốt và khá an toàn cho người sử dụng, hiếm khi gây ra tác dụng phụ.
Phân loại
Paracetamol có công dụng giảm bớt các cơn đau từ nhẹ đến vừa và hạ sốt trong các bệnh cảm lạnh, cảm cúm. Trên thị trường, có rất nhiều dạng bào chế của paracetamol, bao gồm:
- Viên nén
- Viên nang
- Dung dịch uống
- Viên sủi
- Viên đặt hậu môn
- Thuốc tiêm tĩnh mạch (chỉ sử dụng trong bệnh viện).
Liều dùng
Liều dùng thuốc sẽ phụ thuộc vào độ tuổi, cân nặng và dạng bào chế mà bạn sử dụng. Sử dụng thuốc paracetamol để hạ sốt cho người lớn thường là 500mg trong mỗi 4-6 giờ, không uống nhiều hơn 4g trong vòng 24 giờ. Thuốc sẽ bắt đầu tác dụng sau khi uống khoảng 1 giờ và hiệu quả thường kéo dài trong nhiều giờ tiếp theo. Do đó, bạn không nên uống quá liều khuyến cáo mặc dù chưa thấy triệu chứng sốt thuyên giảm ngay.
Tác dụng phụ và những lưu ý khi dùng
Paraceramol tương đối an toàn cho nhiều đối tượng sử dụng, bao gồm phụ nữ mang thai và cho con bú, trẻ em trên 2 tháng tuổi (dùng liều thấp hơn). Thuốc hiếm khi gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng. Tuy nhiên, bạn sẽ cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi dùng thuốc này nếu như:
- Có vấn đề về gan hoặc thận
- Lạm dụng rượu, bia, đồ uống có cồn trong thời gian dài
- Suy dinh dưỡng
- Đang sử dụng một số loại thuốc khác vì có nguy cơ gây ra tương tác thuốc.
2. Thuốc giảm đau, kháng viêm không steroid (NSAIDs)
NSAIDs là một nhóm thuốc thường được sử dụng để giảm đau, kháng viêm và có thể hạ sốt nhẹ. Có rất nhiều loại thuốc NSAIDs khác nhau, bao gồm cả thuốc không kê đơn (như thuốc ibuprofen, naproxen ở hàm lượng quy định) và thuốc kê đơn (như diclofecnac, celecoxib, indomethacin,…).
Phân loại
Các thuốc NSAIDs cũng có nhiều dạng bào chế khác nhau trên thị trường, bao gồm:
- Viên nén hoặc viên nang cứng
- Dung dịch uống
- Gel hoặc kem bôi ngoài
- Thuốc đặt hậu môn
- Thuốc truyền tĩnh mạch (dùng trong bệnh viện).
Liều dùng
Thuốc NSAIDs dùng hạ sốt cho người lớn thường là các thuốc không kê đơn và được Cơ quan quản lý Dược phẩm Pháp (ANSM) và Tờ thông tin sản phẩm (SPC) của các thuốc lưu hành tại Hoa Kỳ khuyến cáo không nên sử dụng quá 3 ngày. Liều dùng giảm đau, hạ sốt của thuốc không kê đơn ibuprofen cho người lớn là uống 200 – 400mg mỗi 4 giờ (nếu cần), không vượt quá 1200mg/ ngày.
Tác dụng phụ và những lưu ý khi dùng
Việc sử dụng thuốc NSAIDs có nguy cơ gặp phải một số tác dụng phụ không mong muốn, nhất là khi dùng liều cao trong thời gian dài hoặc dùng ở người cao tuổi, người có sức khỏe kém. Các tác dụng không mong muốn có thể xảy ra gồm:
3. Thuốc aspirin
Aspirin (acid acetylsalicylic) cũng là một thuốc có tác dụng giảm đau, hạ sốt, kháng viêm dùng cho người lớn. Thuốc có dạng viên uống hoặc viên đặt hậu môn.
Công dụng làm giảm sốt tạm thời hoặc giảm các cơn đau nhẹ do nhức đầu, đau bụng kinh, viêm khớp, đau cơ, đau răng.
Liều dùng
Liều dùng aspirin với mục đích làm thuốc hạ sốt cho người lớn là:
- Đường uống: 300-650mg mỗi 4-6 giờ (nếu cần), không vượt quá 4g trong vòng 24 giờ.
- Đường đặt hậu môn: 300-600mg trong mỗi 4 giờ.
Tác dụng phụ và những lưu ý khi dùng
Tác dụng phụ thường gặp nhất của aspirin là gây khó chịu cho dạ dày nên bạn có thể uống thuốc trong bữa ăn hoặc ngay sau khi ăn để giảm bớt tác dụng phụ này. Một số tác dụng không mong muốn khác có thể xảy ra gồm dễ bị xuất huyết hoặc bầm tím, đau đầu. Bạn nên ngừng dùng thuốc và đến gặp bác sĩ nếu như các tác dụng phụ này không biến mất trong 4 giờ.
Những đối tượng cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi muốn sử dụng aspirin gồm:
- Người đang mang thai, dự định mang thai và đang cho con bú
- Có polyp mũi
- Bị rối loạn đông máu hoặc đang dùng thuốc chống đông máu
- Bị loét dạ dày tá tràng
- Có tiền sử xuất huyết tiêu hóa
- Sắp phải phẫu thuật
- Không nên dùng cho trẻ dưới 18 tuổi vì có liên quan đến hội chứng Reye.
Những lưu ý khi dùng các loại thuốc hạ sốt cho người lớn
Khi dùng các loại thuốc hạ sốt cho người lớn, bạn cần đọc kỹ hướng dẫn về thành phần, liều dùng, cách dùng trước khi sử dụng. Có rất nhiều biệt dược chứa cùng thành phần hoạt chất như nhau hoặc viết tên đồng nghĩa của cùng hoạt chất (như paracetamol và acetaminophen, aspirin và acid acetylsalicylic), bạn cần chú ý để không uống thuốc quá liều.
Nếu thấy xuất hiện phản ứng dị ứng hoặc các triệu chứng bất thường trong quá trình sử dụng, hãy ngưng dùng thuốc và đến gặp bác sĩ để thăm khám ngay. Tốt nhất, bạn nên ghi lại danh sách các thuốc đã sử dụng, bao gồm cả thuốc không kê đơn và kê đơn.
Bạn có thể quan tâm:
Trường hợp thuốc không có tác dụng hạ sốt, sốt từ 39,5ºC trở lên hoặc kéo dài hơn 3 ngày, hãy đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, xác định nguyên nhân và thay đổi phương pháp điều trị.
Hi vọng bài viết đã cung cấp đến bạn những thông tin hữu ích. Sốt là triệu chứng khá phổ biến mà ai trong chúng ta cũng có thể gặp phải. Bên cạnh việc dùng thuốc hạ sốt cho người lớn, bạn có thể thử các cách làm mát cơ thể khác như uống nhiều nước, nghỉ ngơi và giữ cơ thể thông thoáng với quần áo mỏng nhẹ để nhanh chóng hạ được cơn sốt.
Chuyên mục: Thông tin thuốc
Nguồn: hellobacsi.com