Tình hình tổn thương do vật sắc nhọn, kiến thức và thực hành tiêm an toàn của điều dưỡng viên bệnh viện da liễu trung ương năm 2012
Luận văn Tình hình tổn thương do vật sắc nhọn, kiến thức và thực hành tiêm an toàn của điều dưỡng viên bệnh viện da liễu trung ương năm 2012.Tiêm là một trong các biện pháp để đưa thuốc, chất dinh dưỡng vào cơ thể nhằm mục đích chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh. Hàng năm, toàn thế giới có khoảng 16 tỷ mũi tiêm. Trong đó, 90-95% số mũi tiêm nhằm mục đích điều trị và khoảng 5-10% mũi tiêm dành cho dự phòng [18]. Trong điều trị, tiêm – truyền có vai trò rất quan trọng, đặc biệt trong trường hợp người bệnh cấp cứu, người bệnh nặng. Tuy vậy, mũi tiêm chỉ có thể đảm bảo mục đích điều trị nếu được kê đơn một cách phù hợp và được thực hiện một cách an toàn. “Tiêm an toàn (TAT) là mũi tiêm có sử dụng phương tiện tiêm vô khuẩn, phù hợp với mục đích, không gây hại cho người được tiêm, không gây nguy cơ phơi nhiễm cho người thực hiện tiêm và không gây chất thải nguy hại cho người khác”[17, 18, 30].
Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), tiêm không an toàn có thể gây ra những biến chứng như: áp xe, teo cơ tại vị trí tiêm, choáng phản vệ và đặc biệt là nguy cơ lây truyền các virus qua đường máu như virus viêm gan B, viêm gan C và HIV cho cả người bệnh, nhân viên y tế và cộng đồng [31]. Thống kê năm 2000 của WHO cho thấy tiêm không an toàn gây ra 32% số ca nhiễm HBV mới, 40% số ca nhiễm HCV mới và 5% số nhiễm ca nhiễm HIV mới trên toàn cầu [18, 30].
Một số nghiên cứu gần đây đã chỉ ra thực trạng đáng báo động về TAT. Thống kê cho thấy, có tới 70% số mũi tiêm được kê là không cần thiết và có thể được thay thế bằng thuốc uống hoặc thuốc bôi [25]. WHO khẳng định, năm 2000, có tới 50% số mũi tiêm ở các nước đang phát triển không an toàn. Tại Việt Nam, số liệu khảo soát cho thấy 55% số nhân viên y tế còn chưa cập nhật thông tin về kiểm soát nhiễm khuẩn trong tiêm. Nghiên cứu năm 2012 của Dương Khánh Vân tại 6 bệnh viện trung ương và thành phố tại Hà Nội [14] cho thấy 46% số tai nạn thương tích do vật sắc nhọn xảy ra trong quá trình tiêm, trong đó đa phần các tổn thương là xuyên thấu da. Chỉ có khảng một nửa (55,2%) số cán bộ y tế sử dụng hộp đựng vật sắc nhọn đúng quy chuẩn trong quá trình làm việc. Đáng chú ý, tỷ lệ dùng hai tay đóng nắp kim tiêm trước và sau tiêm lần lượt là 14,5% và10,9%. Tác giả cũng khẳng định, tiêm là thực hành có nguy cơ tổn thương do vật sắc nhọn cao nhất và điều dưỡng viên là đối tượng gặp rủi ro nhiều nhất[14].
Như vậy có thể nói, TAT đã và đang là vấn đề nổi cộm của ngành y trong cả công tác kê đơn và thực hành tiêm. Thực tế này đòi hỏi có sự can thiệp một cách thích đáng để cải thiện tình hình. Để có can thiệp phù hợp, việc mô tả thực trạng thực hành tiêm và kiến thức của điều dưỡng viên – đối tượng trực tiếp thực hành tiêm – là rất quan trọng.
Bệnh viện Da liễu Trung ương là bệnh viện chuyên khoa hạng I với 110 giường bệnh. Số lượng điều dưỡng viên trực tiếp chăm sóc hiện nay là 35 người. Theo thống kê năm 2011, số bệnh nhân nội trú của bệnh viện là 1.790 [1]. Các con số này cho thấy áp lực công việc rất lớn của điều dưỡng viên bệnh viện. Thực tế lâm sàng cho thấy, số mũi tiêm mà điều dưỡng viên tại bệnh viện Da liễu trung ương tiến hành là khá nhiều. Đặt trong bối cảnh áp lực công việc cao, đây là yếu tố nguy cơ rất lớn của thực hành tiêm không an toàn, gây đe dọa đến sức khỏe người bệnh, điều dưỡng viên và cộng đồng. Xuất phát từ thực tế trên đây, chúng tôi tiến hành đề tài “Tình hình tổn thương do vật sắc nhọn, kiến thức và thực hành tiêm an toàn của Điều dưỡng viên Bệnh viện Da Liễu Trung ương năm 2012”.
Mục tiêu:
1. Mô tả tình hình tổn thương do vật sắc nhọn khi tiêm ở Điều dưỡng viên tại bệnh viện Da liễu trung ương trong năm 2012.
2. Mô tả kiến thức, thực hành về tiêm an toàn của Điều dưỡng viên tại bệnh viện Da liễu trung ương
3. Xác định các yếu tố liên quan đến kiến thức, thực hành tiêm an toàn của Điều dưỡng viên tại Bệnh viện Da Liễu Trung ương