TÍNH KHÁNG MỎI CHU KỲ TĨNH VÀ ĐỘNG CỦA HỆ THỐNG TRÂM QUAY NICKEL – TITANIUM
TÍNH KHÁNG MỎI CHU KỲ TĨNH VÀ ĐỘNG CỦA HỆ THỐNG TRÂM QUAY NICKEL – TITANIUM
Trần Thuận Lộc1, Lê Hoàng Lan Anh1,, Nguyễn Thu Thủy1, Phạm Văn Khoa1
Mục tiêu: Nghiên cứu so sánh đặc tính kháng mỏi chu kỳ tĩnh và động của hệ thống trâm quay NiTi ProTaper Universal F2 khi cho quay trong ống tủy cong kép hình chữ S ở nhiệt độ 370C. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: thử nghiệm nghiên cứu in vitro trên 20 trâm PTU F2 có độ kích thước 25 và độ thuôn 6% (25/0.06) tất cả đều ở chiều dài 25mm. Trâm được cho quay trong ống tủy nhân tạo bằng thép không gỉ có hình dạng cong kép hình chữ S cho đến khi gãy. Cả hai nhóm đều được điều khiển bởi máy motor nội nha X-Smart Plus với chế độ quay liên tục và tốc độ quay 250 vòng/phút. Trong thử nghiệm tĩnh, trâm quay tại một chiều dài làm việc cố định, không kèm theo chuyển động theo trục dọc của trâm. Trong thử nghiệm động, trâm quay kèm theo chuyển động tới lui theo trục dọc của trâm với biên độ cố định. Ở cả hai thử nghiệm trên, hệ thống ống tủy đều được ổn định ở nhiệt độ 370C (±0,50C). Thời gian từ lúc bắt đầu quay đến khi gãy được ghi nhận lại bằng đồng hồ bấm giờ điện tử. Giá trị thể hiện tính kháng mỏi chu kỳ là số vòng quay được đến khi gãy, được xác định bằng cách nhân thời gian quay được đến khi gãy và tốc độ quay. Kết quả: Số vòng quay được đến khi gãy của trâm PTU F2 ở thử nghiệm động (499,33 ±176,68) cao hơn có ý nghĩa so với thử nghiệm tĩnh (95,48 ±33,49). Kết luận: Hệ thống trâm quay NiTi PTU F2 có tính kháng mỏi chu kỳ động cao hơn tính kháng mỏi chu kỳ tĩnh.
Dụng cụ quay nội nha Nickel –Titanium cho thấy những ưu điểm vượt trội so với dụng cụ bằng thép không gỉ, chẳng hạn như tốc độ quay, tính đàn hồi vượt trội và ít khiếm khuyết hơn[2]. Gãy dụng cụ trong ống tủy là biến chứng thườnggặp trong quá trình sửa soạn ống tủy. Sự căng và nén lặp đi lặp lại theo chu kỳ tại điểm có độ uốn cao nhất trong suốt quá trình dụng cụ quay trong lúc dụng cụ quay trong ống tủy cong dẫn đến gãy do mỏi chu kỳ[6].Thử nghiệm tính kháng mỏi chu kỳ tĩnh (trâm quay tại một chiều dài làm việc cố định) và tính kháng mỏi chu kỳ động (có sự thayđổi chiều dài làm việc trong lúc trâm quay) được sử dụng nhiều để đánh giá khá năng kháng mỏi chu kỳ của trâm nội nha[1],[4]. Thử nghiệm tính kháng mỏi chu kỳ tĩnh được thực hiện không kèm theo chuyển động theo trục dọc trâm nội nha, nghĩa là trâm quay trong ống tủy nhân tạo với một chiều dài làm việc cố định đến khi trâm gãy. Trong khi đó thử nghiệm kháng mỏi chu kỳ động có kết hợp thêm chuyển động theo trục dọc của trâm trong ống tủy nhân tạo, mô phỏng theo động tác sửa soạn ống tủy sử dụng trên lâm sàng[3]. Động tác đưa tay khoan nội nha tới và lui theo trục dọc của trâm được cho rằng kéo dài thời gian trâm bị gãy do mỏi chu kỳ[3],[5], do lực ứng suất được phân bổ dọc theo chiều dài của dụng cụ, trong khi thử nghiệm quay tại chỗ thì ứng suất tập trung tại một điểm[3]. Vì vậy động tác đưa dụng cụ tới lui trong ống tủy được kì vọng có hiệu quả trong việc giảm sự mỏi chu kỳ[4].Cho đến nay, đã có nhiều nghiên cứu so sánh tính kháng mỏi chu kỳ của các hệ thống trâm, nhưng đa phần các thử nghiệm đều thực hiện ở thử nghiệm tĩnh. Trên cơ sở đó, đề tài này tiến hành nghiên cứu so sánh tính kháng mỏi chu kỳ tĩnh và động của hệ thống trâm quay NiTi ProTaper Universal F2 (Dentsply Maillefer, Ballaigues, Thụy Sĩ). Qua đó, nghiên cứu này cung cấp cho bác sĩ Răng Hàm Mặt những thông tin cần thiết và thao tác đúng nhằm đạt được sự an toàn cao nhất trong công việc điều trị nội nha.
Nguồn: https://luanvanyhoc.com