Tình trạng dinh dưỡng và khẩu phần 24 giờ của phụ nữ thu nhập thấp tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội năm 2019
Tình trạng dinh dưỡng và khẩu phần 24 giờ của phụ nữ thu nhập thấp tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội năm 2019
Nguyễn Thị Thanh Luyến, Nguyễn Thị Hồng Diễm, Đặng Kim Anh, Nguyễn Văn Giang, Nguyễn Thị Thu Hà, Lê Thị Hương
Nội dung chính của bài viết
Tóm tắt
Nghiên cứu mô tả cắt ngang đánh giá tình trạng dinh dưỡng và khẩu phần ăn 24 giờ của 200 phụ nữ 18-49 tuổi ở hộ gia đình thu nhập thấp tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội năm 2019. Kết quả: 6,0% phụ nữ thiếu năng lượng trường diễn (CED) và 9,5% phụ nữ thừa cân – béo phì (TC-BP). 54,5% đối tượng đáp ứng dưới 80% năng lượng (E) khẩu phần 24 giờ so với khuyến nghị. Tỷ lệ phụ nữ đáp ứng Protein cao hơn khuyến nghị là 66,0%, tỷ lệ chưa đáp ứng đủ nhu cầu khuyến nghị (NCKN) về Protein (P) Lipid (L) và Glucid (G) trong khẩu phần 24 giờ là: 18,5% (đáp ứng <80% NCKN), 58,5% và 77,0%. Tỷ lệ chưa đáp ứng đủ các vitamin và khoáng chất còn cao. Kết luận: Khẩu phần ăn 24 giờ chưa hợp lý, đáp ứng thiếu vi chất dinh dưỡng còn cao so với khuyến nghị. Cần có các biện pháp can thiệp để cải thiện tình trạng dinh dưỡng và khẩu phần 24 giờ của nhóm phụ nữ trên.
Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong cuộc đời của người phụ nữ, đặc biệt là trong độ tuổi sinh đẻ.1 Tình trạng dinh dưỡng của phụ nữ phản ánh sức khỏe của bản thân họ cũng như sức khỏe của trẻ em trong tương lai.2 Các yếu tố như cân nặng, chiều cao, chỉ số khối cơ thể (BMI) là những chỉ số quan trọng phản ánh tình trạng dinh dưỡng của phụ nữ tuổi sinh đẻ.3 Tại Việt Nam, theo Tổng điều tra dinh dưỡng năm 2010 cho thấy tỉ lệ thiếu năng lượng trường diễn ở nữ là 18,5%, đặc biệt cao ở độ tuổi sinh đẻ từ 20-30 chiếm 22,9 – 27,7%.4 Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này nhưng yếu tố trực tiếp là do khẩu phần ăn thực tế không đáp ứng đủ nhu cầu về năng lượng và các chất dinh dưỡng.5Bên cạnh đó, thu nhập thấp cũng là một trong những yếu tố quan trọng vừa ảnh hưởng trực tiếp, vừa ảnh hưởng gián tiếp lên sức khỏe và tình trạng dinh dưỡng của phụ nữ và trẻ em ở tất cả các khu vực.Các nghiên cứu dịch tễ học đã chứng minh rằng những người sống ở thành thị có tình trạng sức khỏe tốt hơn những người sống ở nông thôn.6 Tuy nhiên, ngày càng có nhiều bằng chứng cho rằng sống ở khu vực thành thị có thể gây ảnh hưởng tiêu cực cho sức khỏe và dinh dưỡng, ví dụ, do những thách thức về vệ sinh hoặc mật độ dân số cao hơn tạo điều kiện cho việc lây lan các bệnh truyền nhiễm. Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng có sự bất bình đẳng đáng kể giữa tình trạng sức khỏe và dinh dưỡng của phụ nữ và trẻ em thành thị.
Nguồn: https://luanvanyhoc.com