Tình trạng dinh dưỡng và một số yếu tố liên quan của trẻ em dưới 2 tuổi vùng dân tộc thiểu số
Luận văn Tình trạng dinh dưỡng và một số yếu tố liên quan của trẻ em dưới 2 tuổi vùng dân tộc thiểu số 2 huyện Hướng Hóa và Dakrong.Đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng đối với trẻ em đặc biệt là trẻ nhỏ là hết sức cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển bình thường của trẻ. Trong điều kiện của một nền kinh tế đang phát triển, tình trạng thiếu lương thực, thực phẩm còn diễn ra phổ biến, hoàn cảnh môi trường sống kém, các bà mẹ còn thiếu kiến thức nuôi con sẽ là những yếu tố tác động trực tiếp tới sức khỏe trẻ em nước ta. Trẻ em sẽ là đối tượng đầu tiên chịu tác động của tình trạng nghèo đói và môi trường sống kém chất lượng mà hậu quả của nó là suy dinh dưỡng (SDD) và bệnh tật [8],[15],[16]. Có thể nói, lứa tuổi từ lúc sơ sinh cho tới 24 tháng tuổi là thời kỳ phát triển quan trọng của cuộc đời, đây là thời kỳ tăng trọng lượng nhanh nhất trong cuộc đời trẻ, nhiều hệ thống cơ quan trong cơ thể được hoàn chỉnh đặc biệt là hệ thống thần kinh trung ương và hệ vận động của trẻ. Do vậy việc đảm bảo cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ trong giai đoạn này là vấn đề hết sức quan trọng và nhu cầu dinh dưỡng của giai đoạn này cũng là cao nhất [8],[15],[16].
Suy dinh dưỡng không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất mà còn ảnh hưởng tới sự phát triển tinh thần, trí tuệ và để lại hậu quả nặng nề cho xã hội [8]. Hiện nay, SDD Protein – năng lượng vẫn là vấn đề sức khỏe trẻ em toàn cầu với tỷ lệ mắc cao và rất cao ở hầu hết các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam [15],[36]. Các cuộc điều tra tại các vùng sinh thái khác nhau của Việt Nam đều cho thấy tỷ lệ SDD Protein – năng lượng ở trẻ em dưới 5 tuổi là rất cao [17],[36],[60]. Theo kết quả điều tra của Viện Dinh Dưỡng từ năm 2000 tới năm 2007, tỷ lệ SDD trẻ em đã giảm đi một cách rõ rệt, nếu như năm 2000 tỷ lệ SDD ở trẻ em dưới 5 tuổi là 33,8% (theo chỉ tiêu cân nặng theo tuổi) thì tới năm 2007 đã giảm chỉ còn 21,2% [39]. Tuy nhiên, theo điều tra theo dõi tỷ lệ SDD trẻ em các tỉnh năm 2007 của VDD cho thấy có sự khác nhau nhiều về tỷ lệ SDD trẻ em giữa các vùng sinh thái trên cả nước. Trong đó tỷ lệ SDD khu vực miền núi luôn cao hơn ở đồng bằng, nông thôn cao hơn thành thị, những vùng bị hạn hán, lũ lụt có tỷ lệ SDD cao hơn các vùng khác. Trong khi một số tỉnh đồng bằng tỷ lệ SDD đã giảm xuống mức thấp như thành phố HCM (7,8%), Hà Nội (9,7%),… thì nhiều khu vực miền núi tỷ lệ SDD vẫn ở mức rất cao như Đắc Nông (31,9%), Kon Tum (31,5%), Quảng Bình (30,6%), Lai Châu (30,0%)…[39]. Sự chênh lệch ở mức từ 2-4 lần giữa miền xuôi và miền núi cho thấy mức độ trầm trọng của SDD trẻ em khu vực miền núi.
SDD không chỉ phân bố không đồng đều ở cấp độ quốc gia mà ngay trong từng địa phương tỷ lệ SDD cũng có sự khác biệt giữa các khu vực, giữa trẻ em dân tộc thiểu số với dân tộc Kinh. Tác giả Nguyễn Thị Hải Anh, Lê Thị Hợp khi phân tích tỷ lệ SDD theo 3 khu vực hành chính tỉnh Lào Cai đã cho thấy ở khu vực 3 nơi chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao và Hmông thì tỷ lệ SDD cao hơn khu vực 1 nơi người Kinh cư trú là chính. Tỷ lệ SDD khu vực 3 là rất cao: 50% thể nhẹ cân, 67,7% thấp còi và 14,9% gày còm [2]. Như vậy, tỷ lệ SDD của các tỉnh miền núi còn cao là do có sự chi phối về thành phần cư trú của các dân tộc trong tỉnh. Trẻ em miền núi, dân tộc ít người chịu nhiều thiệt thòi trong chăm sóc dinh dưỡng và khả năng tiếp cận các dịch vụ CSSK, do đó tỷ lệ SDD cao hơn so với các vùng miền khác trong cả nước. Đánh giá tình trạng SDD dựa trên chỉ tiêu cân nặng theo tuổi, Nguyễn Ngọc Diệp đã tiến hành nghiên cứu ở 40 xã thuộc Thái Nguyên, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Phú Thọ và huyện Sóc Sơn- Hà Nội. Kết quả cho thấy, trẻ em người dân tộc thiểu số (gồm nhiều dân tộc: Tày, Nùng, Hmông, Dao, Sán Chay, Sán Dìu) có nguy cơ SDD cao gấp 1,68 lần so với trẻ em người dân tộc Kinh, tỷ lệ SDD ở trẻ em dân tộc thiểu số chiếm 39,6% trong khi đó ở trẻ em dân tộc Kinh là 28,05% [5].
Đã có nhiều nghiên cứu về tình trạng SDD trẻ em và các vấn đề liên quan. Các nghiên cứu này đã góp phần cải thiện tình trạng dinh dưỡng và giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em nước ta. Tuy nhiên, nghiên cứu về tình trạng dinh dưỡng của trẻ em ở các vùng miền núi, hải đảo, vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc ít người chưa có nhiều.
Hướng Hoá và Dakrong là 2 huyện miền núi, vùng cao, biên giới nằm về phía Tây của tỉnh Quảng Trị, là nơi có nhiều đồng bào các dân tộc sinh sống trong đó chủ yếu là người dân tộc Vân Kiều và PaKo (theo số liệu cục thống kê tỉnh Quảng Trị huyện Dakrong có 82%, và huyện Hướng Hóa có 45,9% dân số là người dân tộc Vân Kiều và Pako). Đây là khu vực có tỷ lệ SDD cao của tỉnh Quảng trị, tỷ lệ SDD tới tháng 12/2008 của Hướng Hóa là: 39,16% và Dakrong là: 36,6% [27]. Các nghiên cứu về tình trạng dinh dưỡng của trẻ em và kiến thức, thực hành dinh dưỡng của các bà mẹ dân tộc thiểu số còn rất ít, vì vậy, chúng tôi thực hiện nghiên cứu này với 2 mục tiêu sau:
1. Đánh giá tình trạng dinh dưỡng của trẻ em dưới 2 tuổi vùng dân tộc thiểu số tại 2 huyện Hướng Hóa và Dakrong tỉnh Quảng Trị ;
2. Mô tả một số yếu tố liên quan tới tình trạng dinh dưỡng của trẻ vùng dân tộc thiểu số tại 2 huyện Hướng Hóa và Dakrong tỉnh Quảng Trị.
MỤC LỤC
ĐẶT VẤN ĐỀ 1
Chương 1: TỔNG QUAN TÀI LIỆU 4
1.1. Lịch sử phát triển của khoa học dinh dưỡng: 4
1.2. Các thời kỳ phát triển của trẻ em, đặc điểm sinh học cơ bản và nhu cầu dinh dưỡng của trẻ dưới 2 tuổi 6
1.2.1. Cách phân chia các thời kỳ: 6
1.2.2. Đặc điểm sinh học cơ bản của trẻ dưới 24 tháng tuổi 7
1.3. Nhu cầu dinh dưỡng của trẻ dưới 2 tuổi 7
1.4. Tình hình SDD Protein năng lượng ở trẻ em và các yếu tố ảnh hưởng . 8
1.4.1 Tình hình SDD Protein năng lượng trên Thế giới 8
1.4.2 Tình hình SDD Protein năng lượng tại Việt Nam 8
1.4.3. Các yếu tố ảnh hưởng đến tình trạng dinh dưỡng trẻ em 9
1.5. Phương pháp đánh giá tình trạng dinh dưỡng trẻ em 16
1.5.1. Các chỉ tiêu đánh giá tình trạng dinh dưỡng trẻ em 9
1.5.2. Cách phân loại suy dinh dưỡng 17
Chương 2: ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 20
2.1. Địa điểm nghiên cứu: 20
2.2. Đối tượng nghiên cứu 20
2.2.1 Tiêu chuẩn lựa chọn 21
2.2.2 Tiêu chuẩn loại trừ 21
2.3. Phương pháp nghiên cứu 21
2.3.1. Thiết kế nghiên cứu 21
2.3.2. Cỡ mẫu và phương pháp chọn mẫu 21
2.3.3. Thu thập thông tin: 23
2.3.4. Biến số và Chỉ số nghiên cứu 24
2.4. Sai số và khống chế sai số 26
2.5. Xử lý số liệu 27
2.6. Thời gian nghiên cứu 27
2.7. Vấn đề đạo đức trong nghiên cứu 27
Chương 3: KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU 28
3.1. Thông tin chung về đối tượng nghiên cứu 28
3.1.1. Đặc điểm cơ bản hộ gia đình của đối tượng điều tra 28
3.1.2. Tình trạng dinh dưỡng của trẻ 30
3.2. Kiến thức, thực hành về chăm sóc bà mẹ mang thai 33
3.3. Kiến thức, thực hành về chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ 36
3.3.1. Kiến thức NCBSM và cho ABS 36
3.3.2. Thực hành NCBSM 37
3.3.3. Thực hành ABS 42
3.3.4. Thực hành chăm sóc sức khoẻ trẻ 44
3.4. Một số yếu tố liên quan 47
Chương 4: BÀN LUẬN 52
4.1. Tình trạng dinh dưỡng của trẻ 52
4.2. Kiến thức, thực hành nuôi dưỡng trẻ 54
4.2.1. Kiến thức của mẹ về NCBSM và ABS 54
4.2.2. Thực hành NCBSM và cho ABS 56
4.3. Một số yếu tố ảnh hưởng tình trạng dinh dưỡng của trẻ em dưới 2 tuổi vùng dân tộc thiểu số tại 2 huyện Hướng Hóa và Dakrong tỉnh Quảng Trị…. 58
4.3.1. Liên quan giữa kinh tế hộ gia đình và TTDD 58
4.3.2. Liên quan giữa chăm sóc thai, chăm sóc SS với TTDD con 59
4.3.3. Liên quan giữa NCBSM và ABS với TTDD trẻ 60
KẾT LUẬN 62
KHUYẾN NGHỊ 64
TÀI LIỆU THAM KHẢO.
PHỤ LỤC