Tình trạng dinh dưỡng và một số yếu tố liên quan tới tình trạng dinh dưỡng của sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương
Tình trạng thể lực con người của một quốc gia là một bằng chứng sinh học cụ thể về sự phát triển của quốc gia đó, đặc biệt là sự phát triển về kinh tế và đời sống xã hội. Để một quốc gia có thể phát triển thì cần có rất nhiều yếu tố như con người, tài nguyên.. .Trong đó yếu tố con người (nguồn nhân lực) là một yếu tố quan trọng hàng đầu. Một quốc gia có nguồn nhân lực khoẻ mạnh, thông minh, là có cả một tiềm năng phát triển [18].
Tăng trưởng của con người phụ thuộc vào cả các yếu tố di truyền và môi trường. Di truyền quyết định tiềm năng tăng trưởng còn môi trường cung cấp các điều kiện để phát huy tiềm năng đó. Chế độ dinh dưỡng đặc biệt là dinh dưỡng trong thời kỳ bào thai và những năm đầu có vai trò quyết định đối với tăng trưởng chiều cao sau này [25].
Từ lâu người ta đã biết mối liên quan chặt chẽ giữa ăn uống với tình trạng dinh dưỡng (TTDD), sức khoẻ và bệnh tật của một cá nhân hay quần thể. Ăn uống tốt tạo ra một sự phát triển bình thường cả về thể lực và trí tuệ. Ăn uống lệch lạc (dù là thiếu ăn hay thừa ăn) đều dẫn đến một số bệnh liên quan đến ăn uống như suy dinh dưỡng protein-năng lượng, béo trệ, thiếu máu dinh dưỡng, …[8].
Thiếu năng lượng trường diễn ở người trưởng thành (BMI<18,5) đi kèm theo khả năng lao động kém, số ngày nghỉ việc trong năm tăng, thời gian tiêu xài trên giường bệnh cao hơn, tăng nguy cơ bệnh tật và tử vong, … [24], [81]. Cũng như vậy, béo phì là một trong những nguy cơ chính của các bệnh mạn tính không lây như bệnh mạch vành, tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh sỏi mật, ung thư, …[24], [26], [55], [81]. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thiếu, thừa năng lượng; nhưng có thể nói nguyên nhân chính là do khẩu phần ăn hàng ngày không đảm bảo đầy đủ theo nhu cầu cơ thể.
Ở người trưởng thành, sinh viên là nguồn lao động trí óc tương lai của các quốc gia. Trên thế giới và ở Việt Nam nhiều tác giả đã nghiên cứu về TTDD của đối tượng này. Nurul và Ruzita Ahmad (2010) đánh giá TTDD của 624 sinh viên có độ tuổi từ 18-26, kết quả chỉ ra rằng: có một tỷ lệ cao thiếu năng lượng trường diễn (27%), thừa cân, béo phì là 12%; thiếu cân ở nữ (33%) cao hơn nam (20%). Trong đó, tỷ lệ thiếu năng lượng trường diễn của sinh viên đến từ Trung Quốc là 30%, cao hơn nhóm sinh viên đền từ Ấn Độ (28%) và Malaysia (25%) [74].
Trần Đình Toán và cs (1994) nghiên cứu trên 674 sinh viên từ năm thứ nhất đến năm thứ tư Trường Đại học Văn hóa cho kết quả: chiều cao trung bình của sinh viên nam là 164-165cm, nữ 154-155cm. Cân nặng trung bình nam là 49,5-52,4kg, nữ là 42,9-44,5kg. Chỉ số khối cơ thể trung bình ở nam là 18,2-19,4, nữ là 18,1-18,5 [44].
Hà Huy Khôi và cs (1997) nghiên cứu về TTDD của 1070 sinh viên Đại học Y Hà Nội, Thái Bình và Bắc Thái cho thấy tỷ lệ thiếu năng lượng trường diễn ở nam là 39,2%, ở nữ là 47,9% [12]. Gần đây, Hoàng Thu Soan và cs (2007) nghiên cứu một số đặc điểm về hình thái thể lực và dinh dưỡng của 630 sinh viên trường đại học Y khoa Thái Nguyên cho thấy tỷ lệ thiếu năng lượng trường diễn là 16,0% [40]. Tuy vậy, chưa có nghiên cứu nào tìm hiểu một cách toàn diện TTDD kết hợp với khẩu phần ăn và những yếu tố ảnh hưởng đến TTDD của đối tượng này.
Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương là trường mới được thành lập, nằm trên địa bàn tỉnh Hải Dương với số sinh viên hiện tại là 3816 (1220 nam và 2596 nữ). Từ trước tới nay, chưa có một nghiên cứu nào về tình trạng dinh dưỡng, sức khỏe của sinh viên thuộc Trường Đại học này.
Nghiên cứu “Tình trạng dinh dưỡng và một số yếu tố liên quan tới tình trạng dinh dưỡng của sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương” được tiến hành nhằm các mục tiêu sau:
1. Mô tả tình trạng dinh dưỡng và một số yếu tố liên quan tới tình trạng dinh dưỡng của sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương.
2. Đánh giá mức tiêu thụ lương thực, thực phẩm và giá trị dinh dưỡng của khẩu phần ăn của sinh viên.
MỤC LỤC
ĐẶT VẤN ĐỀ 1
Chương 1: TỔNG QUAN 12
1.1. Vai trò của ăn uống với sức khoẻ và bệnh tật 12
1.2. Các phương pháp đánh giá TTDD 13
1.3. Khẩu phần ăn, tập quán ăn uống 16
1.4. Ảnh hưởng của thiếu năng lượng trường diễn đối với sức khoẻ và bệnh tật. 18
1.5. Ảnh hưởng của thừa cân, béo phì đối với sức khoẻ 21
1.6. Một số yếu tố ảnh hưởng đến TTDD 24
1.6.1. Tình trạng kinh tế-xã hội 24
1.6.2. Thời gian lao động 24
1.6.3. Khẩu phần ăn, tập quán ăn uống: 24
Chương 2: ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 26
2.1. Đối tượng nghiên cứu 26
2.2. Địa điểm và thời gian nghiên cứu 26
2.3. Phương pháp nghiên cứu 26
2.3.1. Thiết kế nghiên cứu 26
2.3.2. Các biến số và chỉ số cho nghiên cứu 26
2.4. Cỡ mẫu và cách chọn mẫu cho mỗi khối 27
2.5. Kỹ thuật, công cụ thu thập thông tin và đánh giá: 28
2.6. Xử lý số liệu 31
2.7. Các loại sai số thường gặp trong điều tra cắt ngang: 31
2.8. Đạo đức trong nghiên cứu 32
Chương 3: KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU 33
3.1. Đặc điểm về sinh viên, gia đình của sinh viên 33
3.2. TTDD và một số yếu tố liên quan tới TTDD của sinh viên 37
3.2.1. Tình trạng dinh dưỡng 37
3.2.2. Một số yếu tố liên quan tới TTDD 41
3.3. Khẩu phần ăn 46
3.3.1. Khẩu phần ăn của sinh viên theo giới 47
3.3.2. Khẩu phần ăn của sinh viên theo nơi ăn 52
Chương 4: BÀN LUẬN 58
4.1. TTDD và một số yếu tố liên quan tới TTDD của sinh viên 58
4.1.1. TTDD của sinh viên 58
4.1.2. Một số yếu tố liên quan tới tinh trạng dinh dưỡng của sinh viên 65
4.2. Mức tiêu thụ LTTP và giá trị dinh dưỡng khẩu phần ăn của sinh viên 69
4.2.1. Mức tiêu thụ lương thực thực phẩm 69
4.2.2. Giá trị dinh dưỡng của khẩu phần 72
4.2.3. Tính cân đối của khẩu phần 75
KẾT LUẬN 77
KIẾN NGHỊ 78
TÀI LIỆU THAM KHẢO
PHỤ LỤC
Thông tin này hy vọng sẽ gợi mở cho các bạn hướng tìm kiếm và nghiên cứu hữu ích