TÌNH TRẠNG DINH DƯỠNG VÀ THÓI QUEN ĂN UỐNG CỦA HỌC SINH LỨA TUỔI 13-17 TẠI MỘT SỐ TRƯỜNG PHỔ THÔNG NĂM 2017
TÌNH TRẠNG DINH DƯỠNG VÀ THÓI QUEN ĂN UỐNG CỦA HỌC SINH LỨA TUỔI 13-17 TẠI MỘT SỐ TRƯỜNG PHỔ THÔNG NĂM 2017
Nguyễn Thị Hồng Diễm*, Trần Quỳnh Anh**
TÓM TẮT :
Đặt vấn đề: Lứa tuổi 13-17 là lứa tuổi vị thành viên với nhiều thay đổi trong phát triển thể chất và tinh thần. Tình trạng dinh dưỡng tốt và thói quen ăn uống phù hợp giúp cho các em có nền tảng thể lực tốt cho quá trình phát triển sau này.
Mục tiêu: Mô tả tình trạng dinh dưỡng và thói quen ăn uống của học sinh lứa tuổi 13-17 tại một số trường phổ thông tại 4 tỉnh Hải Phòng, Nghệ An, Kontum, Cần Thơ năm 2017.
Đối tượng – Phương pháp nghiên cứu: Mô tả cắt ngang. Địa điểm nghiên cứu: 4 tỉnh Hải Phòng, Nghệ An, Kon Tum, Cần Thơ. Học sinh từ lớp 8-lớp 12 tại 24 trường trung học cơ sở và trung học phổ thông. Tổng số có 6.407 học sinh đã tham gia vào nghiên cứu.
Kết quả: Tỷ lệ học sinh thừa cân béo phì là 11,1% (nam 15,6% và nữ 7,1%), tỷ lệ học sinh suy dinh dưỡng là 9,5% (nam 12,5% và nữ 7,0%). Trong 30 ngày qua, tỷ lệ học sinh ăn trái cây ≥1 lần/ngày là 79%. Tỷ lệ học sinh ăn rau ≥1 lần/ngày là 88%. Tỷ lệ học sinh uống nước có ga ≥1 lần/ngày là 29%. Trong 7 ngày qua, tỷ lệ học sinh ăn đồ ăn nhanh >1 lần trong tuần là 21%.
Kết luận: Mặc dù phần lớn học sinh có tình trạng dinh dưỡng bình thường và thói quen ăn uống phù hợp, còn một tỷ lệ đáng kể suy dinh dưỡng, thừa cân, béo phì, tiêu thụ nước ngọt có ga và ăn đồ ăn nhanh thường xuyên. Các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe về dinh dưỡng cần tiếp tục hướng đến nhóm đối tượng này, nhất là học sinh nam.
Các nghiên cứu trên thế giới đều nhấn mạnh đến sự cần thiết phải quan tâm đến sức khỏe lứa tuổi vị thành niên. Đây là lứa tuổi phát triển mạnh mẽ về thể chất và thường được coi là lứa tuổi khỏe mạnh, nhưng ở tuổi này việc hình thành các hành vi sức khỏe xấu sẽ dẫn đến ảnh hưởng đến sức khỏe sau này, đặc biệt là nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm. Tình trạng dinh dưỡng và thói quen ăn uống ở lứa tuổi này là một yếu tố quan trọng đối với sức khỏe thể chất của lứa tuổi này. Ở Việt Nam hiện nay, gánh nặng kép của dinh dưỡng cộng đồng là vừa phải giải quyết với tình trạng suy dinh dưỡng, vừa phải kiểm soát tình trạng thừa cân, béo phì đang có xu hướng gia tăng.