Tổng quan các nghiên cứu đánh giá kinh tế trong sử dụng vác xin
Tất cả các nước trên thế giới hiện đang phải đối mặt với nhu cầu chăm sóc sức khoẻ ngày càng cao trong khi đó nguồn lực thì hạn hẹp và ngày càng trở nên khan hiếm. Các nhà hoạch định chính sách thì luôn muốn nguồn lực hạn hẹp phải được sử dụng hiệu quả nhất. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để nguồn lực được sử dụng tốt nhất. Đánh giá kinh tế các chương trình/hoạt động chăm sóc sức khoẻ đã trở nên một phần quan trọng của kinh tế ứng dụng trong suốt 30 năm qua. Mục đích của đánh giá kinh tế là so sánh các hoạt động tiêm chủng các phác đồ điều trị các bệnh, các thủ thuật trong điều trị bệnh. Đánh giá kinh tế có thể là công cụ để đánh giá xem một can thiệp nào đó có đáng giá được triển khai so với can thiệp khác không (hoặc là so với không làm gì). Đánh giá kinh tế phân tích những lợi ích có thêm của can thiệp thì có lớn hơn chi phí thêm không? Về nguyên lý Đánh giá kinh tế có thể so sánh giá trị thực của các can thiệp mặc dù nó hoàn toàn khác nhau. Thông qua ước tính về chi phí và kết quả mà có thể so sánh giữa các chương trình, đánh giá kinh tế có thể chỉ ra sự đánh đổi liên quan đến việc lựa chọn giữa các chương trình. Nếu được sử dụng như vậy, đánh giá kinh tế có thể trở thành công cụ có sức mạnh để giúp cho ra quyết định[37][13][8].
Đã từ lâu, tiêm chủng được coi là một hình thức can thiệp phổ biến được áp dụng rộng rãi nhất trên toàn thế giới và có vai trò quan trọng trong phòng bệnh nhằm nâng cao sức khoẻ cho người dân. Từ những năm đầu của thể kỷ 20, việc áp dụng tiêm chủng rộng rãi ở trẻ em hay ở quần thể có nguy cơ cao đã tạo ra những thành tựu bền vững trong việc phòng chống các bệnh lây nhiễm có thể dự phòng được[37][18].
Vai trò quan trọng về khía cạnh kinh tế của tiêm chủng phụ thuộc một phần vào gánh nặng bệnh tật mà có thể dự phòng và sự cạnh tranh về nguồn lực giữa sử dụng vắc xin và các can thiệp khác. Cho đến những năm 1980 chỉ có một số nghiên cứu đánh giá hiệu quả kinh tế của tiêm chủng nhưng sau đó người ta đã ngày càng quan tâm đến tác động kinh tế của tiêm chủng bởi vì hầu hết các nước phải đối mặt với sự leo thang về chi phí cho chăm sóc sức khoẻ và sự eo hẹp hơn về kinh phí [37][18].
Những can thiệp mang lại không chỉ lợi ích về sức khoẻ và mà còn tiêt kiệm được chi phí thì những can thiệp đó vốn đã là chi phí hiệu quả. Đánh giá kinh tế những vắc xin trong thời kỳ đầu như Bạch hầu, Uốn ván, Ho gà, Bai liệt và Sởi đã quan tâm tới chi phí tiết kiệm được do sử dụng vắc xin so với những chi phí cho điều trị do mắc bệnh. Kết quả đánh giá chương trình tiêm chủng cho thấy với chiến lược tiêm chủng mà vừa cải thiện được tình trạng sức khoẻ vừa tiết kiệm được chi phí thì quyết định sử dụng vắc xin là điều dễ hiểu. Tuy nhiên với các vắc xin khác không tiết kiệm được tiền nhưng lại tạo ra lợi ích sức khoẻ thì quyết định sử dụng vắc xin đó sẽ phụ thuộc vào xã hội sẵn sàng chi trả như thế nào để tăng cường lợi ích sức khoẻ[37].
Rất nhiều nghiên cứu Đánh giá kinh tế sử dụng vắc xin trong phòng bệnh đã và đang được triển khai ở các nước trên thế giới. Các phương pháp đánh giá kinh tế khác nhau tập trung vào các khía cạnh khác nhau của sử dụng vắc xin, có thể là đánh giá chương trình tiêm chủng hay đánh giá các chiến lược sử dung vắc xin, đánh giá tác động của một loại vắc xin hay vắc xin phối hợp lên các đối tượng đích khác nhau. Kết quả của các nghiên cứu đã là bằng chứng quan trọng cho các nhà hoạch định chính sách phân bổ nguồn lực
Ở Việt Nam, chương trình tiêm chủng đã và đang được đánh giá là một giải pháp phòng bệnh có hiệu quả làm giảm đáng kể tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong ở các bệnh có thể dự phòng được. Đã có nhiều nghiên cứu đánh giá hiệu quả của chương trình tiêm chủng nhưng các nghiên cứu chỉ tập trung chủ yếu vào độ bao phủ và khả năng tiếp cận vắc xin. Theo báo cáo của chương trình tiêm chủng Quốc gia, năm 2006 có hơn 92% trẻ dưới 1 tuổi được tiêm đủ 7 loại vắc xin [1]. Những nghiên cứu đánh giá kinh tế về sử dụng vắc xin vẫn còn rất hiếm hoi do vậy hiểu biết những kiến thức và kỹ năng về đánh giá kinh tế và thực hiện đánh giá kinh tế các hoạt động y tế nói chung và hoạt động tiêm chủng nói riêng là rất cần thiết. Những kết quả nghiên cứu sẽ là những bằng chứng quan trọng cho các nhà quản lý, các nhà hoạch định chính sách phân bổ nguồn lực và xây dựng những chính sách về sử dụng vắc xin.
Nghiên cứu chuyên đề Tổng quan các phương pháp đánh giá kinh tế trong sử dụng vắc xin nhằm mục tiêu:
1. Tìm hiểu các khái niệm cơ bản về đánh giá kinh tế
2. Mô tả các phương pháp đánh giá kinh tế thường được ứng dụng trong đánh giá sử dụng vắc xin
3. Tổng quan các phương pháp đánh giá kinh tế trong sử dụng vắc xin.
MỤC LỤC
Phần I: Mở đầu: 3
Phần II. Các khái niệm cơ bản về đánh giá kinh tế và các phương pháp đánh giá kinh tế ứng dụng trong sử dụng vác xin 6
2. 1 Thế nào là đánh giá kinh tế 6
2.2 Các phương pháp phân tích trong đánh giá kinh tế 10
2.2.1 Các thành phần của một đánh giá kinh tế[37][15][28] 10
2. 3. Các phương pháp đánh giá kinh tế 14
2.3.1 Nghiên cứu về chi phí mắc bệnh 15
2.3.2 Phân tích chi phí – sự giảm tối thiểu 15
2.3.3 Phân tích chi phí – hiệu quả 17
2.3.4 Phân tích chi phí – lợi ích 23
2.3.5 Phân tích chi phí – thoả dụng 26
2.4 Quan điểm trong nghiên cứu đánh giá kinh tế 27
2.5 Sử dụng các mô hình trong đánh giá kinh tế 28
2.6 Tại sao phải chiết khấu 30
2.7 Giải quyết vấn đề không chắc chắn 30
2.8 Thời gian của các nghiên cứu 31
2.8 Chất lượng của các phương pháp 31
2.9. Những thách thức trong tương lai[ 32
Phần III. Các phương pháp đánh giá kinh tế trong sử dụng vác xin 33
3.1 Phân tích chi phí hiệu quả trong đánh giá sử dụng vác xin 34
3.2. Phân tích chi phí lợi ích 36
3.3. Những nghiên cứu về đánh giá kinh tế tại Việt Nam 38
Kết luận: 40
Tài liệu tham khảo 41
Thông tin này hy vọng sẽ gợi mở cho các bạn hướng tìm kiếm và nghiên cứu hữu ích