TOP 10+ loại thuốc trị ghẻ hết ngứa, nhanh khỏi

TOP 10+ loại thuốc trị ghẻ hết ngứa, nhanh khỏi

Ghẻ là một trong những bệnh lý da liễu gây ngứa da phổ biến ở Việt Nam. Mặc dù không phải là một bệnh lý nghiêm trọng nhưng nếu ghẻ không được điều trị đúng cách có thể dẫn đến lở loét và nhiễm trùng da,… Vậy điều trị ghẻ bằng thuốc gì thì hiệu quả? Nếu bạn cũng đang tìm hiểu về các loại thuốc trị ghẻ thì hãy tham khảo ngay bài viết này của Hello Bacsi.

Ghẻ là do đâu?

Bệnh ghẻ (hay còn gọi là ghẻ nước, ghẻ ngứa) là một nhiễm trùng da do Sarcoptes scabiei (Cái ghẻ) gây nên.

Những triệu chứng phổ biến nhất của bệnh ghẻ là ngứa phát ban do mẫn cảm với protein và phân của ký sinh trùng cái ghẻ. Trong đó, triệu chứng sớm nhất và thường gặp nhất là ngứa dữ dội, đặc biệt là vào ban đêm.

Cơ thể cũng có thể xuất hiện các nốt sần ngứa. Những phản ứng dị ứng này có thể xảy ra ở phần lớn cơ thể người hoặc chỉ giới hạn ở những vị trí da như nếp gấp cơ thể, vùng dưới cánh tay, giữa các ngón tay, ngón chân,… Bởi con cái ghẻ thường thích sống ở những nơi ấm áp và ẩm ướt.

Nhiễm trùng này có thể gặp phải ở bất kỳ ai, nhưng người lớn nhiều hơn trẻ nhỏ. Khi bị ghẻ hay nghi ngờ bị ghẻ, bạn nên nhanh chóng đi khám bác sĩ dù bệnh không gây nguy hiểm tính mạng nhưng nó lây lan và có thể gây nhiễm trùng da thứ cấp hoặc bùng phát một lượng lớn cái ghẻ trên da.

thuốc trị ghẻ tiêu diệt cái ghẻ

Tổng hợp 10+ loại thuốc trị ghẻ, giảm ngứa nhanh chóng

Thuốc trị ghẻ còn được gọi là thuốc diệt ghẻ vì chúng hoạt động chủ yếu trên cơ chế tiêu diệt cái ghẻ, một số cũng có tác dụng giết chết trứng ve. Dưới đây là các loại thuốc trị ghẻ được sử dụng phổ biến nhất hiện nay:

1. Towders Cream

Towders Cream là một trong những loại kem bôi trị ghẻ phổ biến nhất hiện nay, với thành phần chính là Permethrin 5% thuộc nhóm pyrethrin, có tác dụng tiêu diệt cả mạt, cái ghẻ và trứng ve; đồng thời ngăn ngừa kích ứng, nhiễm trùng da. Vì vậy, sản phẩm được chỉ định cho nhiều đối tượng nhiễm trùng chấy rận, mạt nhà, ve,…

Liều dùng và cách dùng

  • Trước khi bôi kem thuốc, bạn nên tắm rửa và thay quần áo sạch sẽ.
  • Bôi kem thuốc trên khắp cơ thể từ cổ đến lòng bàn chân, bôi những nơi bị bệnh và để yên 8-14 giờ, sau đó tắm rửa sạch sẽ.
  • Khi bôi, nên bôi 1 lớp mỏng, 1-2 lần mỗi ngày hoặc theo chỉ định của bác sĩ/dược sĩ.
  • Bạn có thể dùng thuốc 1 lần với liều duy nhất hoặc nhắc lại sau 7 ngày.

Tác dụng phụ

Ở bệnh nhân bị ghẻ sau khi dùng thuốc Towders Cream có thể cảm giác khó chịu trên da, châm chích và ngứa ngáy. Đây có thể coi là phản ứng dị ứng với các con ve chết dưới da, có thể kéo dài một vài tuần sau sử dụng sản phẩm và không có nghĩa là điều trị thất bại.

Bệnh nhân cũng nên thông báo ngay với bác sĩ nếu xuất hiện các triệu chứng bất thường khi dùng thuốc trị ghẻ Towders Cream.

Lưu ý khi dùng thuốc

Thuốc trị ghẻ Towders Cream chỉ được sử dụng ngoài da, tránh tiếp xúc vào niêm mạc, vết thương hở, mắt, miệng, âm đạo. Nếu không may bị dính vào những vị trí này, bạn cần rửa thật sạch với nước.

Nếu vô tình nuốt phải kem thuốc, hãy đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời. Nên ngưng sử dụng thuốc và báo ngay với bác sĩ nếu có dấu hiệu kích ứng.

Đọc kỹ hướng dẫn trước khi dùng thuốc. Nếu cần thêm thông tin, hãy tham khảo ý kiến từ bác sĩ/dược sĩ.

Giá bán tham khảo

Hiện nay thuốc trị ghẻ Towders Cream có giá bán trên thị trường khoảng 83.000đ/tuýp.

2. Thuốc uống trị ghẻ Diphenhydramin

Diphenhydramin là một loại thuốc kháng histamin H1. Đây là loại thuốc thường được dùng đường uống, để điều trị tình trạng ngứa da, dị ứng da. Trong những trường hợp bệnh ghẻ, thuốc Diphenhydramin được dùng để giảm cảm giác ngứa và ngăn chặn phản ứng dị ứng với ghẻ.

Liều dùng và cách dùng

Thuốc Diphenhydramin dùng đường uống với nhiều nước. Liều dùng thuốc tham khảo như sau:

  • Đối với người lớn: Uống 25 – 50 mg/ lần x 4 lần/ ngày, mỗi liều cách nhau 4 – 6 tiếng.
  • Đối với trẻ em từ 6-12 tuổi: Uống 12,5 – 25 mg/ lần x 3 – 4 lần/ ngày, tối đa 150 mg/ ngày.
  • Đối với trẻ em từ 2-6 tuổi: Uống 6,25 – 12,5 mg/ lần x 3 – 4 lần/ ngày.

Tác dụng phụ

Dưới đây là một số tác dụng không mong muốn có thể xảy ra khi dùng thuốc Diphenhydramin dài ngày:

  • Buồn ngủ
  • Mệt mỏi
  • Đau đầu
  • Tiêu chảy
  • Khô miệng
  • Buồn nôn, nôn
  • Chóng mặt
  • Nhìn mờ
  • Tăng cân
  • Hạ huyết áp
  • Co thắt phế quản.

Khi xuất hiện những triệu chứng này, bệnh nhân nên nhanh chóng đến gặp bác sĩ để được tư vấn điều trị.

Lưu ý khi dùng thuốc

Thuốc Diphenhydramin có tác dụng an thần nhẹ, vì thế có thể giúp giảm triệu chứng ngứa ngáy dữ dội về đêm do ghẻ và giúp bệnh nhân ngủ ngon hơn. Tuy nhiên, nếu người bệnh lái xe hoặc vận hành máy móc thì không nên dùng thuốc.

3. Kem bôi trị ghẻ Eurax

Thuốc trị ghẻ Eurax dạng kem bôi ngoài da ngoài da có thành phần hoạt chất chính là crotamiton. Thuốc thường được dùng để loại bỏ cái ghẻ cũng như làm dịu các phản ứng quá mẫn, ngứa da do cái ghẻ, rận cháy, liên cầu khuẩn, tụ cầu khuẩn gây ra,…

Công dụng/Chỉ định

  • Trị ghẻ ngứa.
  • Trị ngứa trong trường hợp ngứa vô căn, ngứa ở người già, ngứa vùng hậu môn, sinh dục, do dị ứng, vàng da, tiểu đường và các vết côn trùng đốt.
  • Trị chí, rận.

Cách dùng và liều dùng

Kem thuốc Eurax được dùng bôi ngoài. Lưu ý nên bôi một lớp mỏng kem lên những khu vực da bị ghẻ hoặc có vết ngứa. Không bôi thuốc lên da đầu hoặc da mặt. Nên bôi thuốc vào buổi tối vì lúc này cái ghẻ đang hoạt động mạnh.

Liều dùng thuốc tham khảo:

  • Đối với trường hợp bị ghẻ: Bôi thuốc 1 lần/ngày vào buổi tối. Dùng thuốc liên tục từ 3-5 ngày.
  • Đối với trường hợp ngứa da khác: Bôi thuốc 2-3 lần/ngày, kiên trì dùng thuốc cho đến khi hết ngứa.

Tác dụng phụ

Thuốc Eurax dung nạp khá tốt và ít gây tác dụng phụ. Tuy nhiên, người bệnh cũng có thể bị dị ứng, kích ứng da trong quá trình dùng Eurax trị ghẻ nước.

Lưu ý khi dùng thuốc

Chống chỉ định thuốc để phòng ngừa ghẻ, bệnh nhân bị viêm da xuất tiết cấp, người dị ứng với bất kỳ thành phần nào của thuốc.

Giá bán tham khảo

Thuốc trị ghẻ Eurax hiện nay được bán với giá khoảng 200.000đ/hộp 1 tuýp 20g.

thuốc trị ghẻ Eurax

4. Lindane 1%

Thuốc bôi trị ghẻ nước Lindane 1% là một trong những thu trong có thành phần hoạt chất chính là lindan. Đây là một hoạt chất tiêu diệt các loại ký sinh trùng chân đốt như cái ghẻ một cách hiệu quả. Vì vậy, thuốc thường thể hiệu hiệu quả tốt trong điều trị ghẻ, chấy, rận ở da. Tuy nhiên so với các loại thuốc permethrin 1-5%, Lindane 1% không được dùng phổ biến.

Công dụng/Chỉ định

Trước đây, lindane là hoạt chất được sử dụng rộng rãi trong điều trị cháy, rận nhưng hiện nay không phải là sự lựa chọn hàng đầu do độc tính trên thần kinh. Đối với bệnh ghẻ, Lindane 1% cũng không được xem là sự lựa chọn hàng đầu mà thường được dùng khi các thuốc khác không đáp ứng hoặc không dung nạp.

Cách dùng và liều dùng

Thuốc trị ghẻ ngứa Lindane 1% được dùng bôi ngoài da, không được uống. Không bôi thuốc vào những vùng da có vết thương, không để thuốc tiếp xúc với miệng và mắt. Nếu lỡ dính và miệng, mắt thì nên dùng nước rửa sạch.

Liều dùng tham khảo:

  • Điều trị ghẻ nước ở người lớn: Bôi thuốc 1 lần, sử dụng liều duy nhất. Bôi thuốc với một lớp mỏng từ vùng da cổ đến ngón chân, nhẹ nhàng xoa thuốc. Tắm sạch lớp thuốc sau 8 – 12 giờ. Dùng liều nhắc lại nếu vẫn thấy còn ký sinh trùng ghẻ và liều nhắc lại sau liều đầu tiên 7 ngày.
  • Điều trị ghẻ nước ở trẻ em: Bôi thuốc 1 lần, liều duy nhất. Bôi thuốc với một lớp mỏng và tắm sạch lớp thuốc sau 6-8 giờ. Dùng liều nhắc lại nếu vẫn thấy còn ký sinh trùng ghẻ và liều nhắc lại sau liều đầu tiên 7 ngày.

Tác dụng phụ

Đặc biệt chú ý nếu dùng thuốc trị ghẻ Lindane 1% với liều lặp lại kéo dài thì nguy cơ cao bệnh nhân có thể bị co giật và tử vong. Ngoài ra cũng có một số tác dụng phụ khác như:

  • Chóng mặt
  • Nổi mẩn ngứa, viêm da, nổi mề đay
  • Rụng tóc
  • Kích ứng mắt, mũi, họng
  • Thiếu máu tán huyết nếu dùng thuốc lâu dài.

Lưu ý khi dùng thuốc

Không dùng thuốc trị ghẻ Lindane 1% trong các trường hợp:

  • Phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú.
  • Người bị động kinh chưa được kiểm soát.
  • Người mắc bệnh ghẻ bong vảy hoặc có vùng da hở.
  • Trẻ sơ sinh đẻ non.
  • Trẻ sơ sinh, trẻ em, người già và những người có cân nặng nhẹ hơn 50kg.

5. Thuốc mỡ DEP trị ghẻ ngứa, côn trùng đốt

Thuốc mỡ DEP là một loại thuốc không kê đơn, thường được dùng để điều trị bệnh ghẻ nước, ghẻ ngứa hoặc một số nhiễm trùng da khác. Thuốc này giúp tiêu diệt ghẻ, giảm viêm và tăng cường làm lành vùng da bị tổn thương.

Công dụng/Chỉ định

  • Điều trị ghẻ ngứa.
  • Phòng và điều trị ngứa do côn trùng trùng đốt, muỗi, vắt và đỉa.

Cách dùng và liều dùng

  • Dùng DEP bôi vào vết ghẻ hoặc vết côn trùng đốt mỗi ngày 2-3 lần trong 5 – 7 ngày. Bệnh nhân nên tắm rửa (xát mạnh xà phòng vào nốt ghẻ và rửa sạch), lau khô trước khi bôi thuốc.
  • Bôi một lớp mỏng DEP lên những vùng da hở trước khi bôi vào những chỗ có côn trùng đốt, vắt hay đỉa.
  • Đợi thuốc khô mới mặc đồ.
  • Sau 5 – 8 tiếng, tắm sạch.

Tác dụng phụ

Thuốc có thể gây kích ứng nhẹ. Hãy thông báo với bác sĩ/dược sĩ những tác dụng phụ không mong muốn bạn gặp phải khi dùng thuốc.

Lưu ý khi dùng thuốc

  • Không nên bôi thuốc vào vùng gần mắt, mũi. Nếu thuốc dính vào mắt, mũi thì phải rửa kỹ với nước.
  • Tránh để thuốc dính vào đồ dùng nhựa (vì có thể hoá dẻo các đồ dùng này).
  • Không dùng thuốc khi đã hết hạn.
  • Không dùng thuốc khi mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc.

Giá bán tham khảo

Thuốc mỡ DEP trị ghẻ, côn trùng đốt được đóng gói dưới dạng lọ 10g có giá bán tham khảo khoảng 10.000đ/lọ.

6. Thuốc bôi ngoài da trị ghẻ Crotamiton Stada 10%

Crotamiton Stada 10% là một dạng thuốc bôi ngoài da dùng cho bệnh nhân bị ghẻ và khắc phục các tổn thương trên da. Thành phần hoạt chất là crotamiton 10%.

Cách dùng và liều dùng

Thuốc trị ghẻ Crotamiton Stada 10% chỉ được dùng bôi ngoài da. Lưu ý nếu là dạng thuốc hỗn dịch nên bạn cần lắc kỹ thuốc trước khi dùng.

Trước hết bạn cần tắm rửa và vệ sinh da sạch sẽ, lau khô.

Tiếp đến bôi một lớp thuốc mỏng lên da, nhẹ nhàng xoa từ cổ đến chân, kể cả lòng bàn chân, chú ý bôi đều vào các nếp gấp trên da. Không để thuốc dính vào niêm mạc miệng, mắt và lỗ niệu đạo.

Liều dùng điều trị ghẻ nước:

  • Đối với người lớn: Liều khuyến cáo 1 lần/ngày vào buổi tối. Dùng một liều duy nhất. Có thể nhắc lại sau 7-10 ngày điều trị nếu cái ghẻ còn sống.
  • Đối với trẻ em: Liều khuyến cáo bôi một lớp mỏng 1 lần/ngày. Dùng một liều duy nhất.

Tác dụng phụ

Tác dụng phụ thường gặp khi dùng thuốc Crotamiton Stada 10% là ngứa da.

Tác dụng phụ hiếm gặp bao gồm:

  • Viêm da tiếp xúc.
  • Phản ứng quá mẫn bao gồm phù mạch, kích ứng da, ban đỏ, chàm và phát ban.
  • Cần ngưng dùng thuốc nếu có kích ứng nặng.
  • Dùng thuốc dài ngày có thể gây giãn mạch, rạn da, teo da, viêm da vùng miệng, mụn trứng cá, rậm lông không thể được loại trừ.

Lưu ý khi dùng thuốc

Chống chỉ định dùng thuốc Crotamiton Stada 10% trong các trường hợp:

  • Quá mẫn với bất kỳ thành phần nào của thuốc.
  • Viêm da chảy nước cấp tính.
  • Điều trị bệnh chấy rận.
  • Không bôi thuốc lên vùng da bị viêm, bị trầy xước, rỉ nước cho tới khi viêm đã đỡ hẳn.

Nếu người bệnh bị kích ứng hay có biểu hiện của quá mẫn do thuốc, cần ngưng thuốc ngay và có biện pháp điều trị thích hợp.

Hiệu quả và độ an toàn của thuốc khi dùng cho trẻ em là chưa xác định.

7. Thuốc uống trị ghẻ Ivermectin 3mg

Ivermectin là một loại thuốc viên uống, dùng để điều trị bệnh ghẻ, sử dụng rộng rãi để điều trị trường hợp ghẻ nặng, ghẻ đóng vảy trong da, ghẻ đã điều trị tại chỗ nhưng không thành công hoặc chống chỉ định điều trị tại chỗ.

Bạn lưu ý nếu không có chẩn đoán chính thức, không nên điều trị với thuốc Ivermectin nếu bệnh nhân chỉ có triệu chứng ngứa đơn thuần.

Cách dùng và liều dùng

Thuốc chỉ được dùng đường uống. Bạn nên uống thuốc với một lý nước đầy, khi bụng đói để tăng hiệu quả điều trị.

Liều dùng thuốc Ivermectin cho bệnh nhân ghẻ nước khuyến cáo: Uống 1 liều duy nhất 200 mcg/kg trọng lượng. Điều trị nhắc lại sau 1 tuần với một liều.

Tác dụng phụ

Một số tác dụng phụ có thể xảy ra khi dùng thuốc Ivermectin bao gồm:

  • Phát ban, dị ứng đột ngột hoặc phản ứng da nghiêm trọng khác
  • Sốt đột ngột
  • Khó thở
  • Viêm gan cấp tính
  • Làm thay đổi một số xét nghiệm như bilirubin máu, men gan, bạch cầu ái toan
  • Tiểu ra máu
  • Chán ăn, đau dạ dày, táo bón hoặc tiêu chảy.

Lưu ý khi dùng thuốc

Thận trọng khi dùng thuốc Ivermectin trong những trường hợp sau:

  • Phụ nữ mang thai hoặc cho con bú
  • Bệnh nhân hen suyễn, tăng huyết áp, nhiễm trùng gan, suy thận
  • HIV/AIDS
  • Người đang điều trị ung thư
  • Bệnh nhân có hệ miễn dịch suy yếu
  • Thường xuyên bị co giật
  • Người cao tuổi.

Giá bán tham khảo

Thuốc Ivermectin được bán với giá 300.000đ/hộp 2 vỉ x 10 viên 3mg.

8. Thuốc Benzyl Benzoate

Benzyl Benzoate có thể được bào chế dưới dạng thuốc bôi ngoài da và nhũ dịch dầu trong nước 25%. Đây là một loại hoạt chất có khả năng loại trừ cái ghẻ và chấy, rận. Chính vì thế, thuốc Benzyl Benzoate được chỉ định để điều trị ghẻ ngứa, ghẻ xốn, ghẻ nước.

Cách dùng và liều dùng

Bạn cần làm sạch và lau khô khu vực da bị tổn thương trước khi bôi thuốc. Sau đó, bạn lấy một lượng vừa đủ để bôi một lớp mỏng thuốc từ vùng cổ đến lòng bàn chân. Bạn để nguyên thuốc trên da khoảng 24 tiếng, dùng nước ấm và xà phòng để tắm lại và lau khô da.

  • Liều dùng khuyến cáo cho trường hợp nhẹ: Dùng 120-180ml Benzyl Benzoate nhũ dịch 25% bôi 1 lần duy nhất.
  • Liều dùng khuyến cáo cho trường hợp nặng: Dùng thuốc từ 2-3 lần, khoảng cách giữa mỗi liều là 24 giờ đồng hồ, có thể kết hợp với kem bôi Keratolytic để nâng cao hiệu quả chữa bệnh cho trường hợp nặng.
  • Liều dùng khuyến cáo cho trẻ em: Pha loãng 60 – 90 ml Benzyl benzoate nhũ dịch 25% với nước sạch (tỉ lệ 1:1) bôi 1 lần duy nhất. Bạn cần pha loãng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ trước khi sử dụng.

Tác dụng phụ

Khi dùng thuốc trị ghẻ Benzyl benzoate có thể gặp phải một số tác dụng phụ như:

  • Kích ứng niêm mạc và mắt.
  • Phản ứng quá mẫn và kích ứng da.
  • Viêm da thể bọng nước.

Lưu ý khi dùng thuốc

Khi bôi thuốc trị ghẻ, bạn tránh bôi lên mặt, miệng và tiếp xúc với mắt.

9. Kem bôi Elimite

Với thành phần chính là hoạt chất permethrin 5%, kem bôi Elimite được dùng để bôi ngoài da giảm ghẻ ngứa và tiêu diệt ghẻ cái, tăng tốc độ làm lành tổn thương; đồng thời phòng ngừa ký sinh trùng lây lan trên da. Bên cạnh dùng làm thuốc trị ghẻ kem Elimite còn có tác dụng điều trị chấy rận.

Cách dùng và liều dùng

  • Tắm rửa và vệ sinh sạch sẽ, lau khô vùng da tổn thương.
  • Lấy một lượng thuốc vừa đủ, bôi đều và massage nhẹ nhàng trên da.
  • Sau 8-14 giờ, vệ sinh da và tắm rửa.
  • Liều dùng thuốc bôi Elimite khuyến cáo cho bệnh nhân điều trị ghẻ nước: Bôi khoảng 30g thuốc, dùng một liều duy nhất.

Tác dụng phụ

Dưới đây là một số tác dụng phụ có thể xảy ra khi dùng thuốc trị ghẻ Elimite:

  • Nóng rát, kích ứng da.
  • Khó thở.
  • Dị ứng, phát ban, khô da, tróc da.

Lưu ý khi dùng thuốc

Trước khi sử dụng thuốc trị ghẻ Elimite, bạn cần lưu ý, thận trọng trong các trường hợp:

  • Dị ứng với Elimite và các thành phần khác có trong thuốc.
  • Khi có ý định sử dụng thuốc này cho trẻ dưới 2 tuổi.
  • Trong giai đoạn mang thai và cho con bú.
  • Người đang có dự định mang thai.

Ngoài ra, trước khi dùng thuốc, bạn cần chắc chắn rằng đã nói với các bác sĩ về tất cả các loại thuốc có kê đơn, không kê đơn và các loại vitamin bạn đang dùng.

thuốc trị ghẻ Elimite

10. Nhóm thuốc chứa lưu huỳnh trị ghẻ

Trong một số trường hợp bị ghẻ ngứa, bác sĩ cũng có thể chỉ định cho người bệnh dùng thuốc bôi hoặc xà phòng có chứa lưu huỳnh. Thuốc trị ghẻ nhóm lưu huỳnh thường có nồng độ 5-10%, có tác dụng ức chế lây lan và tiêu diệt ký sinh trùng ghẻ. Bên cạnh đó, thuốc cũng giúp ngăn chặn các tác nhân gây bệnh khác xâm nhập và lây lan.

Cách sử dụng thuốc

Đối với các loại kem, thuốc mỡ chứa lưu huỳnh:

  • Tắm rửa và vệ sinh vùng da sạch sẽ, lau khô da trước khi bôi thuốc.
  • Bôi một lớp thuốc mỏng trên toàn bộ cơ thể.
  • Tắm lại sau 24 giờ bôi thuốc.

Đối với các loại xà phòng chứa lưu huỳnh:

  • Làm sạch da bằng nước ấm
  • Bôi một lớp mỏng thuốc lên toàn bộ cơ thể và massage nhẹ nhàng trong 5 phút.
  • Dùng khăn lau đi lớp bọt xà phòng.

Lưu ý khi dùng thuốc

Mặc dù nhóm thuốc chứa lưu huỳnh cho hiệu quả trị ghẻ cao nhưng đồng thời cũng có nguy cơ gây kích ứng da, nhất là với những bệnh nhân có làn da nhạy cảm. Vậy nên, để đảm bảo an toàn, người bệnh có thể test độ kích ứng bằng cách bôi thuốc lên một vùng da nhỏ ở tay trước khi điều trị trên toàn cơ thể.

Hello Bacsi hi vọng những thông tin trên đây có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về các loại thuốc trị ghẻ để từ đó có cách điều trị bệnh ghẻ tốt nhất.

Chuyên mục: Thông tin thuốc

Nguồn: hellobacsi.com

Leave a Comment