TỶ LỆ HÚT THUỐC LÁ VÀ CÁC YẾU TỐ LIÊN QUAN Ở NAM TỪ 18 TUỔI TRỞ LÊN TẠI QUẬN 6 – THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
TỶ LỆ HÚT THUỐC LÁ VÀ CÁC YẾU TỐ LIÊN QUAN Ở NAM TỪ 18 TUỔI TRỞ LÊN TẠI QUẬN 6 – THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Nguyễn Hồng Hoa*
TÓM TẮT :
Đặt vấn đề: Ung thư phổi là vấn đề y tế công cộng ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó tỷ lệ tử vong do hút thuốc khoảng 53% ở các nước giàu và 47% ở các nước nghèo. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), xấp xỉ 170.000 trẻ em tử vong hàng năm liên quan với hút thuốc lá thụ động. Điều này cho thấy tác động nghiêm trọng của hút thuốc lá ảnh hưởng đến sức khỏe con người không chỉ những người hút thuốc mà còn những người không hút thuốc. Chính vì vậy, WHO đã phát động phong trào cả thế giới phòng chống hút thuốc lá và lấy ngày 31 tháng 5 hàng năm là ngày thế giới không hút thuốc. Ở Việt Nam, 47,4% nam trưởng thành hút thuốc và mỗi năm hơn 40.000 trường hợp tử vong. Chính Phủ Việt Nam đã ban hành chính sách cấm hút thuốc ở các nơi công cộng vào ngày 1 tháng 5 năm 2013 nhằm giảm thiểu tác hại của hút thuốc lá cho cộng đồng. Tuy nhiên, thực trạng hút thuốc lá vẫn còn là vấn đề nan giải ở thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung.
Mục tiêu: Xác định tỷ lệ hút thuốc lá và các yếu tố liên quan ở nam từ 18 tuổi trở lên tại quận 6, thành phố Hồ Chí Minh, năm 2013.
Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu cắt ngang 387 nam từ 18 tuổi trở lên tại quận 6, thành phố Hồ Chí Minh, năm 2013.
Kết quả: Tỷ lệ hút thuốc lá trong mẫu nghiên cứu là 66,4%. Nghiên cứu tìm được mối liên quan giữa thực trạng hút thuốc lá với các đặc điểm đối tượng nghiên cứu (trình độ học vấn, tình trạng hôn nhân, kinh tế, nhóm tuổi và nghề nghiệp); tuyên truyền tác hại hút thuốc lá và phạt nặng người hút thuốc (p<0,05). Tuy nhiên, nghiên cứu không tìm thấy mối liên quan giữa hút thuốc lá với các hoạt động khác như giáo dục học sinh, sinh viên nói không với thuốc lá; cấm sản xuất thuốc lá, và cấm trẻ vị thành niên hút thuốc.
Kết luận: Giải quyết thực trạng hút thuốc lá là vấn đề nan giải không những liên quan trách nhiệm của chính quyền, ngành y tế, các cơ quan sản xuất thuốc lá, cơ quan thuế, bản thân người hút thuốc, và cả cộng đồng. Nên có một khu dành riêng cho người hút thuốc ở các nơi công cộng (nơi làm việc, nhà hàng, trạm xe buýt, quán cà phê hay bar) và các nhà quản lý là người quan trọng trong việc kiểm soát tình trạng hút thuốc lá ở những nơi này. Chương trình giáo dục về hút thuốc lá nên đưa vào giảng dạy ở các trường học và các nơi giảng dạy về tôn giáo. Đánh thuế cao nhà sản xuất và những người hút thuốc, yêu cầu nhãn mác phải ghi nội dung thuốc lá có hại cho sức khỏe. Ngành y tế nên hỗ trợ điều trị miễn phí và tham vấn cho những người tình nguyện bỏ thuốc lá.
Hy vọng sẽ giúp ích cho các bạn, cũng như mở ra con đường nghiên cứu, tiếp cận được luồng thông tin hữu ích và chính xác nhất