TỶ LỆ SUY YẾU VÀ MỘT SỐ YẾU TỐ LIÊN QUAN Ở BỆNH NHÂN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TÍP 2 CAO TUỔI ĐIỀU TRỊ NGOẠI TRÚ
TỶ LỆ SUY YẾU VÀ MỘT SỐ YẾU TỐ LIÊN QUAN Ở BỆNH NHÂN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TÍP 2 CAO TUỔI ĐIỀU TRỊ NGOẠI TRÚ
Lê Thị Mỹ Phượng1, Nguyễn Hữu Ấn2, Nguyễn Trần Tố Trân3, Nguyễn Văn Trí3
TÓM TẮT :
Đặt vấn đề: Suy yếu là một yếu tố thường gặp của hội chứng lão hóa, nó làm tăng các kết cục bất lợi ở người cao tuổi. Đái tháo đường và suy yếu có mối liên hệ với nhau, vì vậy nhận diện suy yếu là một phần trong việc điều trị người cao tuổi mắc đái tháo đường.
Mục tiêu: Xác định tỷ lệ suy yếu theo tiêu chuẩn Fried và một số yếu tố liên quan trên bệnh nhân đái tháo đường típ 2 cao tuổi tại phòng khám nội tiết bệnh viện Thống Nhất thành phố Hồ Chí Minh.
Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu cắt ngang mô tả, thực hiện trên 326 bệnh nhân người cao tuổi (≥60 tuổi) điều trị tại phòng khám nội tiết bệnh viện Thống Nhất từ tháng 12 năm 2018 đến tháng 7 năm 2019. Suy yếu được định nghĩa theo tiêu chuẩn Fried.
Kết quả: Có 326 bệnh nhân được đưa vào nghiên cứu. Tỷ lệ suy yếu, tiền suy yếu và khỏe mạnh theo tiêu chuẩn Fried là 27%, 54% và 19%. Ở nhóm suy yếu; tỷ lệ yếu cơ, mức hoạt động năng lượng thấp, chậm chạp, kiệt sức, sụt cân lần lượt là: 61%, 52,5%, 26,4%, 18,1% và 16%. Tiền căn nhập viện trong năm qua và tiền căn mắc bệnh động mạch vành đã đặt stent là những yếu tố liên quan đến suy yếu.
Kết luận: suy yếu phổ biến ở bệnh nhân cao tuổi mắc đái tháo đường típ 2 tại bệnh viện Thống Nhất. Yếu cơ và chậm chạp là 2 tiêu chí có tỷ lệ cao nhất.
Việt Nam đã bước vào giai đoạn già hóa dân số vào năm 2012, sớm hơn so với dự kiến 2 năm(1). Suy yếu là một yếu tố thường gặp của hội chứng lão hóa, tỷ lệ dao động từ 4 – 59% ở cộng đồng(2). Suy yếu làm tăng kết cục lâm sàng bất lợi ở người cao tuổi (NCT) như té ngã, gãy xương, nhập viện, phụ thuộc và tử vong(3). Hiện nay, có rất nhiều công cụ để đánh giá suy yếu, tuy nhiên thang điểm Fried được xem là tiêu chuẩn vàng trong đánh giá suy yếu(4,5).
Đái tháo đường (ĐTĐ) là một bệnh lý rối loạn chuyển hóa có cơ chế bệnh sinh phức tạp đặc trưng bởi tình trạng tăng đường huyết mạn tính kèm theo các rối loạn chuyển hóa lipid, protid và glucid(6). Tính đến năm 2017, theo Liên Đoàn Đái Tháo Đường Quốc Tế (IDF), Việt Nam có 3.535.700 người trưởng thành mắc ĐTĐ.
https://thuvieny.com/ty-le-suy-yeu-va-mot-so-yeu-to-lien-quan-o-benh-nhan-dai-thao-duong/