Tỷ lệ viêm phúc mạc trên trẻ thẩm phân phúc mạc tại Bệnh viện Nhi Trung ương
Tỷ lệ viêm phúc mạc trên trẻ thẩm phân phúc mạc tại Bệnh viện Nhi Trung ương
Lương Thị Phượng, Tống Ngọc Huy, Nguyễn Ngọc Huy, Đào Trường Giang, Nguyễn Thu Hương
Nội dung chính của bài viết
Tóm tắt
Thẩm phân phúc mạc (TPPM) là phương thức lọc máu ưu tiên cho trẻ cần điều trị thay thế thận, trong đó viêm phúc mạc là một trong những biến chứng phổ biến nhất của TPPM. Nghiên cứu này được thực hiện nhằm đánh giá tỷ lệ, căn nguyên vi trùng gây viêm phúc mạc ở trẻ TPPM tại Bệnh viện Nhi Trung ương từ 1/2019 đến 6/2021. Kết quả: Tổng số 52 trẻ (48,1% nam) với tuổi trung bình 8,98 ± 3,92 tuổi tham gia nghiên cứu. 21 trẻ (40,4%) bị viêm phúc mạc, với 9 bệnh nhân trải qua 2 đợt viêm phúc mạc trở lên. Có 39 đợt viêm phúc mạc (0,64 đợt/bệnh nhân – năm), hay gặp trong năm đầu TPPM với 28,2% đợt viêm phúc mạc xảy ra khi TPPM được 3 – 6 tháng. Vi khuẩn gram dương là nguyên nhân gây ra 14 trong số 17 (82,3%) đợt viêm phúc mạc cấy dương tính, trong đó Staphylococcus aureus là loài chủ yếu được phân lập chiếm 64,7%. Tỷ lệ nuôi cấy âm tính ở các đợt còn cao 56,4%. Kết luận: Viêm phúc mạc là biến chứng phổ biến ở trẻ TPPM.
Mặc dù tỷ lệ trẻ mắc bệnh thận mạn tính (CKD) chiếm một phần tương đối nhỏ trong tổng dân số mắc bệnh thận mạn tính, nhưng bệnh thận giai đoạn cuối (ESRD) vẫn là một trong những nguyên nhân hàng đầu làm tăng tỷ lệ mắc bệnh và tử vong ở trẻ em.1 Trẻ mắc ESRD thường có biểu hiện thiếu máu, chậm phát triển thể chất, tăng huyết áp và mắc các bệnh lý tim mạch. Tỷ lệ tử vong theo tuổi ở trẻ mắc ESRD cao gấp khoảng 30 lần so với trẻ không có ESRD.2 Thẩm phân phúc mạc (TPPM)là phương thức lọc máu được trẻ em lựa chọn vì nhiều lý do, bao gồm giá thành rẻ, quy trìnhđơn giản cho phép thực hiện tại nhà để trẻ có thể trở lại trường học bình thường và các hoạt động khác. Tuy nhiên, phương pháp này cũng có một số biến chứng nguy hiểm, trong đó viêm phúc mạc liên quan đến TPPM là nguyên nhân quan trọng nhất làm trẻ phải nhập viện, gây tử vong và thất bại kỹ thuật.3,4,5 Viêm phúc mạc nặng hoặc kéo dài dẫn đến thay đổi cấu trúc và chức năng của màng bụng, cuối cùng dẫn đến suy màng và phải chuyển sang thận nhân tạo trong thời gian dài.6 Vì vậy, việc xác định được căn nguyên vi trùng gây viêm phúc mạc và điều trị sớm theo kháng sinh đồ giúp bảo tồn được chức năng màng bụng cho trẻ. Trên thế giới đã có một số báo cáo về kết quả và biến chứng của TPPM cũng như căn nguyên gây viêm phúc mạc ở trẻ. Tuy nhiên, hiên tại có rất ít báo cáo về viêm phúc mạc tại Việt Nam. Chúng tôi tiến hành nghiên cứu này nhằm mục đích xác định tỷ lệ và căn nguyên vi trùng gâyviêm phúc mạc trên trẻ TPPM ở Việt Nam.
Nguồn: https://luanvanyhoc.com