U DÂY THẦN KINH VIII
U DÂY THẦN KINH VIII
1. ĐẠI CƯƠNG
U dây thần kinh VIII là u tế bào bao dây thần kinh của nhánh tiền đình của dây
thần kinh số VIII.
U chiếm 8% – 10% các u trong sọ. Tần suất hàng năm khoảng 1,5 trường hợp
trên 100.000 dân. U thường gặp ở một bên ( 95%). U thường bắt đầu có triệu trứng
sau 30 tuổi.
II. CHẨN ĐOÁN
. Triệu chứng lâm sàng:
– Ù tai và giảm thính lực là triệu trứng thường gặp, thường ở thời kỳ đầu của bệnh.
– Tê nửa mặt, liệt nửa mặt, nhìn đôi, nuốt khó thường ít gặp hơn và gặp khi u phát triển lớn.
– Nhức đầu, ói mửa, đi loạng choạng, chóng mặt gặp ở các trường hợp u rất lớn
chèn ép và tiểu não và tắc nghẽn sự lưu thông dịch não tủy.
2. Cận lâm sàng
– Đo thính lực đồ: đánh giá chức năng nghe bao gồm chức năng dẫn truyền khí và xương, chức năng tiếp nhận lời nói.
– Cộng hưởng từ: chụp với tiêm thuốc cản từ là phương tiện chẩn đoán chính xác nhất đối với u thần kinh VIII. Đặc điểm u hình tròn hoặc hình bầu dục nằm ở ống tai trong. U có thể dạng nang phát triển và góc cầu tiểu não chèn ép vào cầu não và tiểu não.
– CT scan: dùng khảo sát ống tai trong, liên quan đến tế bào xoang chũm giúp cho việc mổ qua đường xuyên mê nhĩ.
3. Chẩn đoán phân biệt
3.1. U màng não góc cầu tiểu não
Tê nửa mặt và liệt nửa mặt là triệu trứng hay gặp, giảm thính lực thường gặp muộn hơn. U thường gây tăng sinh xương, bắt thuốc cản quang đồng nhất, hiếm khi có nang hoặc giãn rộng ống tai trong.
3.2. U nang thượng bì góc cầu tiểu não
U không bắt thuốc cản từ, không giãn rộng ống tai trong.
3.3. U dây thần kinh V
Lâm sàng thường tê nửa mặt, u phát triển về phía hố Meckel và hố sọ giữa.
3.4. Nang màng nhện
Hình ảnh nang góc cầu tiểu não, không bắt thuốc phản quang viền, đồng đậm độ như dịch não tủy.
3.5. Túi phình động mạch não
Thường bắt thuốc đồng nhất và mạnh, liên quan với động mạch thân nền, không gây giãn rộng ống tai trong.
III. XỬ TRÍ
Cách xử trí đối với u dây thần kinh VIII bao gồm:
– Phẫu thuật cắt bỏ khối u.
– Xạ phẫu bằng tia gama.
– Điều trị bảo tồn và theo dõi định kỳ.
1. Phẫu thuật cắt bỏ khối u
– Phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ khối u và bảo tồn chức năng về thần kinh là phương pháp được lựa chọn nhiều nhất. Phẫu thuật với sự hỗ trợ của kính vi phẫu và các dụng cụ vi phẫu. Ngoài ra, cần có thêm các hỗ trợ của các phương tiện theo dõi các dây thần kinh sọ và chức năng thân não trong khi mổ.
– Có 3 đường mổ chính vào khối u này: đường mổ sau xoang xích ma, đường mổ xuyên mê nhĩ và đường mổ qua hố sọ giữa. Tiêu chuẩn lựa chọn đường mổ dựa trên tình trạng thính lực của bệnh nhân, vị trí, kích thước khối u, và đặc biệt là kinh nghiệm và sở trường của phẫu thuật viên.
2. Điều trị xạ phẫu:
– Là sự lựa chọn cho các bệnh nhân không thể chịu đựng được cuộc phẫu thuật ( bệnh tim nặng, suy thận nặng…) hoặc không bằng long phẫu thuật.
– Đây là phương pháp điều trị mới, kết quả bước đầu nhiều hứa hẹn, tỷ lệ biến
chứng thấp. Hiệu quả điều trị lâu dài chưa được đánh giá đầy đủ.
3. Điều trị bảo tồn và theo dõi định kỳ
– Chỉ định đối với những bệnh nhân già và triệu chứng thần kinh không nặng, hoặc có bằng chứng về khối u không phát triển nữa.
– Theo dõi định kỳ mỗi 6 tháng bằng MRI nếu u không phát triển trong 2 năm thì sau đó theo dõi định kỹ mỗi năm 1 lần.
IV.THEO DÕI VÀ TÁI KHÁM
1. Sau khi phẫu thuật
– Trong 24 giờ đầu cần theo dõi sát tri giác và các dấu hiệu sinh tồn, chụp CTScan không cản quang để phát hiện các trường hợp máu tụ vùng hố mổ và can thiệp sớm.
– Cần theo dõi các biến chứng dò dịch não tủy theo vết mổ viêm màng não sau mổ để điều trị kịp thời.
2. Sau khi ra viện
Tái khám định kỹ mỗi 6 tháng và theo dõi khối u tái phát bằng MRI.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Mark S. Greenberg, Handbook of Neurosurgery, Acoustic neuroma, p429-438, 2010.
2. Eldridge, Roswell M.D., Summary: Vestibular Schwannoma (Acoustic Neuroma), Neurosurgery: June 1992 – Volume 30 – Issue 6 – P 962-964
3. Bryan C. Oh, Tumor of the Cerebellopontine Angle, Comprehensive Management of Skull Base Tumors, 2009
4. Radiosurgery for Acoustic Neuromas: Results of Low-dose Treatment, Iwai,
Yoshiyasu; Yamanaka, Kazuhiro; Shiotani, Masato; Uyama, Taichi, Neurosurgery. 53(2):282-288, August 2003.