VAI TRÒ CỦA CHỤP CẮT LỚP VI TÍNH MẠCH MÁU TRONG CHẨN ĐOÁN HẸP TẮC ĐỘNG MẠCH NỘI SỌ Ở BỆNH NHÂN ĐỘT QUỴ DO THIẾU MÁU NÃO CẤP
VAI TRÒ CỦA CHỤP CẮT LỚP VI TÍNH MẠCH MÁU TRONG CHẨN ĐOÁN HẸP TẮC ĐỘNG MẠCH NỘI SỌ Ở BỆNH NHÂN ĐỘT QUỴ DO THIẾU MÁU NÃO CẤP
Trương Thị Phương Thảo1, Lê Văn Phước2, Nguyễn Quang Thái Dương3, Lê Quang Khang, Huỳnh Phượng Hải, Võ Thị Thúy Hằng3
1 Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh
2 Hội Chẩn đoán hình ảnh TPHCM
3 Đại học Y dược TPHCM
TÓM TẮT
Đặt vấn đề: Chẩn đoán hẹp tắc động mạch nội sọ (HTDMNS) cũng như nhận diện tắc do xơ vữa động mạch nội sọ trước can thiệp rất quan trọng trong lập kế hoạch điều trị ở bệnh nhân đột quỵ cấp. Hiện nay, có rất ít nghiên cứu về đánh giá vai trò của chụp cắt lớp vi tính mạch máu (CTA) trong chẩn đoán HTDMNS và dự đoán tắc do xơ vữa động mạch nội sọ.
Mục tiêu: Đánh giá mối liên quan giữa tắc kiểu thân trên CTA và tắc do xơ vữa động mạch nội sọ. Xác định giá trị của CTA trong chẩn đoán HTDMNS so với tiêu chuẩn vàng là chụp mạch máu não xóa nền (DSA).
Đối tượng và phương pháp: Chúng tôi hồi cứu 129 bệnh nhân đột quỵ thiếu máu não cấp được thực hiện CTA và DSA. Độ hẹp của từng động mạch nội sọ được đo theo phương pháp WASID. Tắc động mạch nội sọ được chia thành hai nhóm kiểu thân và kiểu nhánh trên CTA. Tắc động mạch nội sọ do xơ vữa được xác định dựa trên định nghĩa hẹp cố định trên DSA.
Kết quả: 423 đoạn động mạch nội sọ được đánh giá. CTA chẩn đoán tắc mạch với độ nhạy, độ đặc hiệu, giá trị tiên đoán âm lần lượt là 97,8%; 98,6%; 98,9%. Với độ hẹp 50-99% CTA có độ nhạy và độ đặc hiệu là 89,7%; 98,2%. Tắc kiểu thân thường gặp ở các trường hợp tắc do xơ vữa động mạch nội sọ hơn ở trường hợp thuyên tắc (78,1% so với 8,5%, p < 0,001).
Kết luận: Khi so sánh với DSA, CTA có độ nhạy và độ đặc hiệu cao trong chẩn đoán HTDMNS. Tắc kiểu thân trên CTA cũng cho thấy có liên quan với tắc do xơ vữa động mạch nội sọ ở các bệnh nhân đột quỵ thiếu máu não cấp.
Nguồn: https://luanvanyhoc.com