Vai trò của Procalcitonin trong chẩn đoán phân biệt tình trạng nhiễm khuẩn ở bệnh nhân Lupus ban đỏ hệ thống
Bước đầu tìm hiểu vai trò của procalcitonin trong chẩn đoán phân biệt tình trạng nhiễm khuẩn ở bệnh nhân lupus ban đỏ hệ thống. Đối tượng và phương pháp: nghiên cứu mô tả cắt ngang, tiến cứu có nhóm chứng. 54 bệnh nhân lupus ban đỏ hệ thống và 35 bệnh nhân nhóm chứng được chẩn đoán và điều trị tại khoa Cơ Xương Khớp bệnh viện Bạch Mai từ tháng 11/2009 đến tháng 12/2010. Các bệnh nhân (nhóm lupus và chứng) được chia làm hai nhóm có nhiễm khuẩn và không có nhiễm khuản và đều được khám lâm sàng và làm các xét nghiệm định lượng procalcitonin, protien C phản ứng, tốc độ máu lắng. Két quả: Hàm lượng procalcitonin ở bệnh nhân lupus có nhiễm khuẩn 0,457 + 0,125ng/ml cao hơn hẳn nhóm lupus không nhiễm khuẩn 0,132 + 0,015 ng/ml khác biệt có ý nghĩa thống kê với p < 0,01. Hàm lượng procalcitonin tăng không có mối liên quan tuyến tính với protein C phản ứng (r = 0,23) và tốc độ máu lắng (r = 0,17) ở bệnh nhân lupus ban đỏ hệ thống. Két luận: Hàm lượng procalcitonin tăng trong trường hợp lupus ban đỏ hệ thống có nhiễm khuẩn.
Lupus ban đỏ hệ thống (Systemic Lupus Erythmatosus) là một bệnh tự miễn hay gặp bệnh có biểu hiện lâm sàng đa dạng, gây tổn thương ở nhiều cơ quan nội tạng [1, 3]. Bệnh nhân lupus ban đỏ hệ thống dễ bị nhiễm khuẩn do các rối loạn miễn dịch, tình trạng sử dụng corticoid và thuốc ức chế miễn dịch kéo dài trong quá trình điều trị. Biểu hiện nhiễm khuẩn ở bệnh nhân mắc bệnh lupus thường không điển hình và khó chẩn đoán phân biệt với tình trạng tiến triển của bệnh. Do đó việc chẩn đoán đúng và sớm tình trạng nhiễm khuẩn có ý nghĩa quan trọng trong điều trị giúp hạn chế sử dụng kháng sinh không cần thiết và những tác dụng không mong muốn do điều trị kháng sinh gây ra. Procalcitonin (PCT), tiền chất của calcitonin do tế bào C tuyến giáp sản xuất, là một trong những thành phần của pha viêm cấp tính [3, 6, 7]. Nhiều kết quả nghiên cứu khoa học đã chỉ rõ hàm lượng của PCT tăng cao trong máu của bệnh nhân nhiễm vi khuẩn (viêm phổi, nhiễm trùng huyết…) nhưng không tăng hoặc tăng rất ít ở bệnh nhân nhiễm vius và các tình trạng viêm không do nhiễm khuẩn [4, 6]. Hiện nay, xét nghiệm xác định hàm lượng PCT trong huyết thanh được áp dụng nhiều trong chẩn đoán phân biệt tình trạng nhiễm khuẩn ở các khoa cấp cứu, khoa nhi [4, 6, 8]. Tuy nhiên hiện nay ở Việt Nam chưa có nghiên cứu nào về vai trò của PCT trong chẩn đoán tình trạng nhiễm khuẩn ở bệnh nhân tự miễn đặc biệt là bệnh lupus ban đỏ hệ thống. Vì vậy, chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài này với mục tiêu:
1. Khảo sát hàm lượng procalcitonin trong huyết thanh bệnh nhân lupus có nhiễm khuẩn và không có nhiễm khuẩn.
2. Tìm hiểu vai trò của procalcitonin trong phân biệt tình trạng nhiễm khuẩn ở bệnh nhân lupus ban đỏ hệ thống có so sánh với protein C phản ứng và tốc độ máu lắng
Thông tin này hy vọng sẽ gợi mở cho các bạn hướng tìm kiếm và nghiên cứu hữu ích