VAI TRÒ CỦA SỰ KẾT HỢP ĐIỆN CƠ VÀ GIA TỐC KẾ TRONG PHÂN BIỆT BỆNH PARKINSON VÀ RUN VÔ CĂN
VAI TRÒ CỦA SỰ KẾT HỢP ĐIỆN CƠ VÀ GIA TỐC KẾ TRONG PHÂN BIỆT BỆNH PARKINSON VÀ RUN VÔ CĂN
Võ Ngọc Duy1, Nguyễn Hữu Công2
TÓM TẮT :
Đặt vấn đề: Run trong bệnh Parkinson và run vô căn đã được nghiên cứu dựa trên sinh lý thần kinh để phân biệt với nhau ở các nước trên thế giới, trong khi đó ở Việt Nam hiện chưa có dữ liệu nghiên cứu về vấn đề này.
Mục tiêu: Nghiên cứu giá trị của phân tích run trên điện cơ bề mặt và gia tốc kế trong chẩn đoán phân biệt bệnh Parkinson và run vô căn.
Đối tượng – Phương pháp nghiên cứu: Đây là nghiên cứu mô tả hàng loạt ca. Nghiên cứu được tiến hành tại bệnh viện Ngoại thần kinh Quốc tế từ tháng 1/2020 đến tháng 6/2020. Tổng số 38 bệnh nhân trong đó có 29 bệnh nhân Parkinson và 9 bệnh nhân run vô căn tham gia nghiên cứu. Các bệnh nhân sẽ được đo gia tốc kế và điện cơ bề mặt để đánh giá các đặc điểm run.
Kết quả: Trong nhóm bệnh nhân Parkinson, tần số run khi nghỉ, khi duy trì tư thế, khi nâng vật nặng trong khoảng 4-6 Hz. Trong nhóm run vô căn, tần số run khi duy trì tư thế, khi nâng vật nặng trong khoảng 4-8 Hz. Tần số run khi duy trì tư thế ở hai nhóm bệnh nhân chồng lấp nhau. Đặc điểm phân biệt chính run Parkinson và run vô căn là mô hình hoạt động cơ luân phiên ở bệnh nhân Parkinson và đồng bộ ở bệnh nhân run vô căn, sự ảnh hưởng của nghiệm pháp tập trung tinh thần và thời gian tiềm khi chuyển từ tư thế nghỉ sang duy trì tư thế.
Kết luận: Một số đặc điểm sinh lý thần kinh giúp phân biệt run vô căn và bệnh Parkinson như thời gian tiềm thời khi chuyển từ tư thế nghỉ sang duy trì tư thế, sự thay đổi về biên độ run khi thực hiện nghiệm pháp tập trung tinh thần và mô hình hoạt động của cơ đồng vận và đối vận của run trên EMG bề mặt.
Run trong bệnh Parkinson là loại run thường gặp, thường được gọi run kinh điển,với biểu hiện run khi nghỉ kiểu vấn thuốc và có thể gặp run khi giữ tư thế. Triệu chứng run khi nghỉ là một đặc điểm điển hình của bệnh Parkinson, tuy nhiên trong giai đoạn sớm của bệnh có thể gặp dạng ưu thế run khi duy trì tư thế, còn triệu chứng run khi nghỉ có thể nhẹ hơn(1). Do đó sự phân biệt hai loại run này có thể gặp khó khăn. Trong một nghiên cứu, người ta đã ghi nhận trong bệnh Parkinson giai đoạn sớm với run là biểu hiện duy nhất có tỷ lệ bị chẩn đoán sai là khoảng 25%(2). Trong run vô căn, 50% chẩn đoán run vô căn dựa vào lâm sàng là chẩn đoán sai.
VAI TRÒ CỦA SỰ KẾT HỢP ĐIỆN CƠ VÀ GIA TỐC KẾ TRONG PHÂN BIỆT BỆNH PARKINSON VÀ RUN VÔ CĂN