Viêm loét giác mạc nhiễm trùng tại bệnh viện mắt Trung Ương năm 2008
Viêm loét giác mạc (VLGM) nhiễm trùng là một trong những bệnh phổ biến hàng đầu trong các bệnh lý về mắt, đặc biệt ở các nước đang phát triển, các nước có khí hậu nóng ẩm như Việt Nam, và là nguyên nhân chính gây mù lòa do bệnh lý giác mạc nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Tại các nước phát triển như Mỹ, ước tính hành năm có khoảng 30 000 ca VLGM do vi khuẩn và nước Mỹ tốn khoảng 50 triệu đô la Mỹ /năm để điều trị VLGM. Ở Anh, hàng năm cũng có tới 15 000 ca VLGM do vi khuẩn .
Có nhiều nguyên nhân gây VLGM như vi khuẩn, nấm, virut, acanthamoeba,…Theo y văn thế giới, tác nhân gây VLGM chủ yếu là do vi khuẩn (5). Gần đây, theo nhiều báo cáo, cơ cấu nguyên nhân gây VLGM đã thay đổi, tỷ lệ VLGM do nấm ngày càng tăng [6, 7]. Ở Việt nam, trước đây tỷ lệ VLGM do vi khuẩn chiểm tới 42,11% trong tổng số bệnh nhân VLGM [2], nhưng theo một số báo cáo gần đây, số lượng các trường hợp VLGM do nấm ngày càng tăng. Theo nghiên cứu của P.N.Đông tại bệnh viện Mắt Trung Ương (2004 – 2005), tỷ lệ VLGM do nấm chiếm 59,8% [1]. Theo nghiên cứu của L.A.Tâm tỷ lệ VLGM do nấm chiếm 50,8% trong tổng số bệnh nhân VLGM nhiễm trùng được điều trị tại bệnh viện Mắt Trung Ương trong 10 năm (1998 – 2007) [3].
Việt Nam với đặc điểm khí hậu nóng ẩm thuận lợi cho sự phát triển của vi sinh vật, điều kiện vệ sinh môi trường kém, việc chăm sóc sức khỏe nói chung cũng như chăm sóc mắt nói riêng chưa được quan tâm đúng mức, kiến thức phòng bệnh trong lao động cũng như trong sinh hoạt chưa tốt nên VLGM vẫn còn là một bệnh khá nặng nề. Tỷ lệ các mắt VLGM nặng phải bỏ nhãn cầu khá cao. Để góp phần nhận định về đặc điểm và kết quả điều trị VLGM do nhiễm trùng ở Việt Nam, chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài này với mục tiêu: Đánh giá một số đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng VLGM do nhiễm trùng tại bệnh viện Mắt Trung Ương năm 2008.
I. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
1. Thiết kế nghiên cứu
Nghiên cứu mô tả cắt ngang, hồi cứu hồ sơ bệnh án của 401 bệnh nhân được điều trị VLGM tại khoa Kết Giác mạc và khoa Khám bệnh ngoại trú bệnh viện Mắt Trung Ương trong thời gian từ 1/2008 đến 12/2008.
2. Tiêu chuẩn lựa chọn
Các hồ sơ bệnh án của bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị VLGM nhiễm trùng do vi khuẩn, nấm, acanthamoeba. Hồ sơ bệnh án đầy đủ các thông tin để khai thác trong nghiên cứu
3. Tiêu chuẩn loại trừ
Hồ sơ bệnh án của các bệnh nhân VLGM không có căn nguyên nhiễm trùng như loét Mooren, VLGM do virut…
Các hồ sơ không có đủ thông tin. Các thông tin khai thác từ hồ sơ bệnh án: Thông tin về bệnh nhân: tuổi, giới, nghề nghiệp, địa chỉ,… Thông tin về tình trạng bệnh: nguyên nhân ; yếu tố nguy cơ (chấn thương, các bệnh kèm theo ở mắt, tiền sử phẫu thuật, đeo kính tiếp xúc, bệnh toàn thân,…); thời gian bị bệnh; tiền sử dùng thuốc trước khi vào viện; hình ảnh lâm sàng, xét nghiệm cận lâm sàng, các phương pháp điều trị và kết quả
Mục tiêu: Đánh giá một số đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng cùa viêm loét giác mạc (VLGM)
nhiễm trùng trong năm 2008 tại bệnh viện Mắt Trung Ương. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu hồi cứu trên 401 bệnh nhân đã được điều trị tại bệnh viện Mắt Trung Ương từ 1/2008 đến 12/2008 với các chỉ số tuổi, giới, nghề nghiệp, các yếu tố nguy cơ, nguyên nhân gây VLGM, bệnh cảnh lâm sàng, cận lâm sàng. Kết quả: trong số 401 bệnh nhân VLGM do nhiễm trùng có 50,4% là nam, 49,6% là nữ. Bệnh gặp chủ yếu ở lứa tuổi lao động (67,9%). Nông dân chiếm đa số (70,3%). Nguyên nhân gây VLGM : chủ yếu do nấm (64,59%), tiếp đó là vi khuẩn (36,65%), amip (0,76%). 11,6% số ca VLGM do vi khuẩn có kết qủa nuôi cấy (+) ; 42,6% VLGM do nấm có kết quả nuôi cấy (+). Kết luận: VLGM nhiễm trùng là một bệnh lý nặng, ảnh hưởng đến cuộc sống và làm việc của bệnh nhân. Nấm và vi khuẩn vẫn là những nguyên nhân chính gây VLGM nhiễm trùng.
Thông tin này hy vọng sẽ gợi mở cho các bạn hướng tìm kiếm và nghiên cứu hữu ích