Xác định hàm lượng một số kim loại nặng trong khẩu phần ăn của phụ nữ quận Thanh Xuân và Hai Bà Trưng Hà Nội
Ô nhiễm môi trường đang là một vấn đề có tính chất báo động toàn cầu trong đó có Việt Nam. Đó cũng là hậu quả của nền công nghiệp cũ, lạc hậu cũng như do quá trình công nghiệp hoá đang diễn ra một cách nhanh chóng. Đồng thời, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, xu hướng sử dụng hoá chất và các sản phẩm có chứa kim loại nặng ngày càng gia tăng. Hậu quả của quá trình đó không chỉ môi trường mà cả các nguồn thực phẩm cũng như nước sinh hoạt bị ô nhiễm. Kim loại nặng là kim loại có khối lượng riêng cao gâp 5 lần khối lượng riêng của nước ở 40C. Theo thống kê hiện nay có 23 loại được xếp vào loại kim loại nặng, trong đó có 5 loại khá phổ biến như Chì (208Pb), Mangan (55Mn), Asen (75As), Selen (78Se) và Cadmium (114Cd) [10]. Vấn đề quan tâm là một lượng nhỏ các kim loại trên có thể gây ngộ độc cấp hoặc mạn tuỳ thuộc vào thời gian. Để xác định ảnh hưởng của một số kim loại nặng lên sức khoẻ con người chúng tôi tiến hành nghiên cứu thăm dò tình trạng ô nhiễm môi trường bởi một số kim loại nặng liên quan đến sức khoẻ với mục tiêu:
1. Xác định hàm lượng một số kim loại nặng trong khẩu phần ăn của phụ nữ quận Thanh Xuân và Hai Bà Trưng Hà Nội.
2. Xác định hàm lượng một số kim loại nặng trong máu các đối tượng phụ nữ nêu trên.
II. TỔNG QUAN
Trên thế giới hiện nay có khoảng 30.000 loại hoá chất được lưu hành, trong số này có khoảng 600 loại được coi là các chất hữu cơ khó phân hủy (Persistent Organic Pollutants: POPs). Đây là những chất bền vững trong môi trường, có khả năng tích tụ cao, lâu dài được đưa vào sử dụng trong các ngành công nghiệp, chúng sẽ được thải vào bầu khí quyển và các nguồn nước gây ô nhiễm các nguồn thực phẩm thông qua chu trình sinh học và cuối cùng được tích luỹ lại trong cơ thể con người. Cùng với các chất hữu cơ bền vững trong môi trường đó là những kim loại nặng làm tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường trầm trọng hơn. Những chất này đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sống và tác động trực tiếp đến sức khoẻ con người. Ở Châu Á hiện nay, một số nước đang trong thời kỳ phát triển công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước trong đó có Việt Nam. Nhiều nhà máy được xây dựng và đi vào hoạt động với công nghệ cũ lạc hậu, vì vậy hơi độc và chất thải từ các nhà máy đã làm cho tình hình ô nhiễm môi trường càng trở nên trầm trọng. Bên cạnh đó, do nhu cầu sử dụng hoá chất tăng cao trong sản xuất nên các hoá chất đã được sản xuất nhiều hơn và chuyển giao rất tích cực giữa các nước nước Châu Á. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm nước biển làm ảnh hưởng đến môi trường sống. Chính vì vậy, giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường là việc làm hết sức cần thiết để cải thiện môi trường sống và ngăn chặn sự tác động có hại của môi
trường lên đời sống cũng như sức khoẻ con người.
Bên cạnh các hợp chất hữu cơ khó phân huỷ (POPs) là các kim loại nặng trong các hợp chất hữu cơ khác góp phần gây ô nhiễm nặng nề hơn. Trong một thời gian dài, nhiều nước trong đó có các nước Châu Á cũng như Việt Nam chúng ta đã sử dụng phổ biến các loại xăng dầu có chứa Cadmium (Cd) và Chì (Pb) nên cũng góp phần với các chất hữu cơ khó phân huỷ ảnh hưởng đến môi trường sinh thái nói chung, sức khoẻ con người nói riêng. Đã có nhiều công trình nghiên cứu của các nhà khoa học về môi trường trên thế giới kết hợp với các nhà khoa học Việt Nam đã công bố những số liệu khoa học về tình hình nhiễm các kim loại nặng ở một số vùng ở Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng, đặc biệt ở các khu công nghiệp, các làng nghề. Tuy nhiên các kết quả nghiên cứu đó còn mang tính khu vực, cục bộ và là những kết quả bước đầu trong một bức tranh tổng thể về tình trạng ô nhiễm môi trường khá trầm trọng đang diễn ra ở Việt Nam hiện nay mà còn ít đề cập đến sức khỏe do phơi nhiễm kim loại nặng, đặc biệt là phân tích kim loại nặng trong máu [3], [4], [5], [6].
Thông tin này hy vọng sẽ gợi mở cho các bạn hướng tìm kiếm và nghiên cứu hữu ích