Xác định tỷ lệ nhiễm Human Papillomavirus và các yếu tố liên quan của phụ nữ trong độ tuổi từ 18-69 tại TP HCM
Đặt vấn đề: Human Papillomavirus (HPV) là nguyên nhân chính gây ra ung thư cổ tử cung, một căn bệnh ác tính xếp thứ hai trong số các ung thư của phụ nữ trên toàn thế giới. Tỉ lệ nhiễm HPV của phụ nữ tại TP HCM là bao nhiêu? Phân bố các týp HPV ra sao? Đó là những câu hỏi còn bỏ ngỏ và cũng là lý do khiến chúng tôi thực hiện đề tài nghiên cứu: “Xác định tỷ lệ nhiễm Human Papillomavirus và các yếu tố liên quan của phụ nữ trong độ tuổi từ 18-69 tại TP HCM”.
Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: một nghiên cứu cắt ngang được thực hiện trên 1550 phụ nữ 18-69 tuổi, đã có quan hệ tình dục sống tại TP HCM được chọn vào nghiên cứu bằng phương pháp chọn mẫu cụm ngẫu nhiên tỉ lệ với độ lớn dân số (PPS). Mỗi phụ nữ tham gia nghiên cứu đều được phỏng vấn bằng bảng câu hỏi cấu trúc, được khám phụ khoa, làm PAP và thử nghiệm định tính, định týp HPV bằng kỹ thuật PCR Reveres Dot Blot.
Kết quả: Tỉ lệ nhiễm HPV ở phụ nữ sống tại TP HCM là 10,84% (164/1550) (khoảng tin cậy 95% 0,09-0,12), nhiễm các týp nguy cơ cao là 9,1% và týp nguy cơ thấp chiếm 1,74%, trong đó týp 16 chiếm tỉ lệ: 55,95% (94/168), týp 18 chiếm 38,1% (64/168), týp 58 là 11,13% (19/168), týp 11: 4,76%, týp 6: 3,57%, các týp khác tỷ lệ không cao. Các yếu tố liên quan được ghi nhận như: hút thuốc lá chủ động làm tăng tỉ lệ nhiễm HPV gấp đôi người không hút thuốc và tình trạng sử dụng bao cao su thường xuyên làm giảm tỉ lệ nhiễm HPV 3 lần so với những phụ nữ không dùng hoặc dùng không thường xuyên..
Kết luận: tỉ lệ nhiễm HPV của phụ nữ TP HCM khá cao 10,84% và sự phân bố các týp HPV cũng tương tự trên thế giới
Ngày nay, ung thư cổ tử cung (CTC) xếp thứ hai trong số các ung thư của phụ nữ trên thế giới[6]. Ung thư CTC hiện là mối quan tâm đặc biệt của ngành y tế trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân vì đây là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu của phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ ở các nước đang phát triển[8].
Cho đến nay, HPV được xác định là nguyên nhân hàng đầu gây ra ung thư cổ tử cung[5] vì ADN của vi rút hiện diện trong 99,7%-100% các mẩu mô cổ tử cung ung thư. Tuy nhiên, 80% các ca HPV dương tính tự sạch nhiễm[2]. Các yếu tố liên quan góp phần không nhỏ làm tăng khả năng tồn tại lâu dài tình trạng nhiễm HPV đặc biệt là các týp nguy cơ cao để tạo ra sang thương cổ tử cung ở nhiều mức độ khác nhau và cuối cùng là ung thư CTC xảy ra 20% các trường hợp. Tại Việt Nam chưa có nhiều công trình nghiên cứu về HPV. Tỉ lệ nhiễm HPV của phụ nữ tại TP HCM là bao nhiêu? Phân bố các týp HPV ra sao? Đó là những câu hỏi còn bỏ ngỏ và cũng là lý do khiến chúng tôi thực hiện đề tài nghiên cứu: “Xác định tỷ lệ nhiễm Human Papillomavirus và các yếu tố liên quan của phụ nữ trong độ tuổi từ 18-69 tại TP HCM” nhằm đạt các mục tiêu sau:
• Xác định tỉ suất hiện mắc và sự phân bố các týp HPV ở phụ nữ trong độ tuổi từ 18 đến 69 tại TP HCM.
• Xác định mối liên quan giữa nhiễm HPV với các yếu tố như: tuổi của phụ nữ, tuổi giao hợp lần đầu, số bạn tình, tình trạng hút thuốc lá và việc sử dụng bao cao su.
2. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Nghiên cứu cắt ngang với cách chọn mẫu cụm ngẫu nhiên phân bố tỉ lệ với độ lớn dân số (PPS: Probability proportional to size). Cỡ mẫu được tính theo công thức ước lượng một tỉ lệ với độ chính xác mong muốn d=3,5% và hiệu ứng thiết kế là 2. Chúng tôi chọn được 1550 phụ nữ đã có quan hệ tình dục trong độ tuổi từ 18-69 đang sinh sống tại các quận huyện của TP HCM đồng ý tham gia nghiên cứu, có trạng thái tinh thần và sức khỏe cho phép tiến hành cuộc phỏng vấn.
Loại ra khỏi nghiên cứu những đối tượng có một trong các tiêu chuẩn sau: từ chối tham gia trong bất kỳ giai đoạn nào của quá trình thu thập số liệu, đang mang thai, đang có bệnh lý cấp cứu hoặc đang ra máu âm đạo, đang đặt thuốc âm đạo, đang viêm cấp âm đạo
CTC…
Các đối tượng thỏa tiêu chuẩn chọn mẫu được giải thích rõ mục tiêu nghiên cứu và ký tên vào bảng đồng thuận tham gia nghiên cứu. Sau đó được phỏng vấn qua bảng thu thập số liệu và khám phụ khoa cho chẩn đoán lâm sàng và phết CTC lấy mẩu làm xét nghiệm PCR ADN HPV. Số liệu được nhập và quản lý bằng phần mềm Epidata phiên bản 3.1 và phân tích bằng phần mềm STATA 10.0.
Thông tin này hy vọng sẽ gợi mở cho các bạn hướng tìm kiếm và nghiên cứu hữu ích