Xây dựng cơ sở dữ liệu ảnh hưởng của chất da cam/dioxin tới sức khoẻ sinh sản của các nạn nhân chiến tranh hoá học
Trong chiến tranh Việt Nam, từ năm 1961 đến năm 1971, quân đội Mỹ tiến hành chiến dịch rải chất diệt cỏ ở miền Nam Việt Nam (Ranch Hand Operation) với mục đích phát quang và phá hoại mùa màng. Theo báo cáo của Uỷ ban Quốc gia điều tra hậu quả chiến tranh hoá học của Mỹ ở Việt Nam
(Uỷ ban 10-80) trong chiến dịch này quân đội Mỹ đã sử dụng thử nghiệm khoảng 15 hoá chất trên quy mô toàn bộ diện tích miền Nam Việt Nam với khối lượng lớn và nồng độ cao, biến miền Nam Việt Nam nói riêng và toàn bộ Việt Nam nói chung thành một phòng thí nghiệm khổng lồ trong đó con người trở thành thí nghiệm. Theo nghiên cứu của Stellman (2003), khối lượng chất độc hoá học do quân đội Mỹ rải ở Việt Nam trong thời gian chiến tranh khoảng 80 triệu lít, trong đó hơn một nửa là chất độc Da cam (một hỗn hợp của 2,4D và 2,4,5T) – chứa khoảng 1000 kg dioxin [1, 2].
Dioxin là tên gọi tắt của chất 2,3,7,8-Tetrachloro Dibenzo-p-dioxin, là một tạp chất xuất hiện tự nhiên trong quá trình sản xuất chất 2,4,5-T và một số sản phẩm khác trong công nghiệp hoá chất và xử lý rác thải. Đây là chất độc nhất và được biết đến như một tác nhân gây ung thư và dị tật bẩm sinh [1]. Các kết quả nghiên cứu được công bố tại Hội thảo Quốc tế năm 1983 và 1993 về ảnh hưởng của chất độc hoá học cho thấy có mối liên quan giữa phơi nhiễm dioxin với sự xuất hiện nhiều loại bệnh tật và có những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ của con người. Theo ước tính của J. Stellman có ít nhất từ 2,1 – 4,8 triệu người Việt Nam bị ảnh hưởng trực tiếp bởi chất độc hoá học này [2].
Sức khoẻ sinh sản (SKSS) của các nạn nhân chiến tranh hoá học là một trong những vấn đề được các nhà khoa học trong và ngoài nước quan tâm và có rất nhiều công trình nghiên cứu. Những kết quả ban đầu cho thấy có sự liên quan giữa phơi nhiễm dioxin với các đột biến gen và nhiễm sắc thể, các đột biến ở thế hệ sau (F1, F2), gây các tai biến sản khoa, các dị tật bẩm sinh, các bệnh,… [3].
Các kết quả nghiên cứu trên được trình bày trong nhiều văn liệu khác nhau, đây là những luận cứ khoa học xác định các ảnh hưởng của chất da cam/dioxin lên sức khoẻ của con người.
Để thuận tiện cho việc khai thác các kết quả nghiên cứu trên phục vụ cho công tác nghiên cứu khắc phục hậu quả chất độc hoá học chiến tranh ở Việt Nam, phát huy tối đa tính kế thừa trong nghiên cứu khoa học, chúng tôi thực hiện đề tài: “Xây dựng cơ sở dữ liệu ảnh hưởng của chất da cam/dioxin tới sức khoẻ sinh sản của các nạn nhân chiến tranh hoá học“, với tên gọi tắt là “Cơ sở dữ liệu Sức khoẻ sinh sản” nhằm mục tiêu:
– Thu thập các kết quả nghiên cứu trong nước và quốc tế về ảnh hưởng của chất da cam/dioxin lên SKSS của các nạn nhân chiến tranh hoá học Việt Nam;
– Xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) quản lý, lưu trữ các kết quả nghiên cứu, hỗ trợ việc tra cứu phục vụ công tác nghiên cứu khắc phục hậu quả chiến tranh hoá học Việt Nam.
Thông tin này hy vọng sẽ gợi mở cho các bạn hướng tìm kiếm và nghiên cứu hữu ích