Xây dựng quy trình phát hiện các dạng đột biến xóa đoạn, lặp đoạn và đột biến điểm trên gen dystrophin ở bệnh nhân loạn dưỡng cơ Duchenne
Gen dystrophin là một gen có cấu trúc dài nhất, đột biến gen dystrophin gây nên bệnh loạn dưỡng cơ Duchenne. Cho đến nay nhiều dạng đột biến gen đã được phát hiện bao gồm đột biến xóa đoạn, đột biến điểm, đột biến lặp đoạn. Việc phân tích đột biến gen sẽ tốn kém và mất thời gian nếu không đưa ra được quy trình phát hiện đột biến gen thích hợp. Nghiên cứu xây dựng quy trình phát hiện các dạng đột biến xóa đoạn, lặp đoạn và đột biến điểm trên gen dystrophin ở bệnh nhân loạn dưỡng cơ Duchenne. Kết quả cho thấy 10/10 bệnh nhân được phát hiện là có đột biến trên gen dystrophin, trong đó 7/10 bệnh nhân có đột
biến xóa đoạn, 2/10 bệnh nhân có đột biến điểm, 1/10 bệnh nhân có đột biến lặp đoạn. Đã xây dựng thành công quy trình phát hiện các dạng đột biến gen dystrophin trên bệnh nhân loạn dưỡng cơ Duchenne.
Gen dystrophin có chiều dài hơn 3000 Kb và là gen người dài nhất được biết tới cho đến nay. Gen dystrophin nằm ở vị trí Xp21 trên NST X, mã hóa 14 – kb mRNA, bao gồm 79 exon với 7 promoter khác nhau trong đó hơn 99% chiều dài gen là intron. Gen dystrophin quy định tổng hợp protein dystrophin, là một protein nằm trên màng tế bào cơ. Nó có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ cơ trong quá trình hoạt động. Đột biến gen là nguyên nhân gây bệnh DMD do sự mất toàn vẹn của protein dystrophin dẫn đến tế bào cơ bị tổn thương trong quá trình hoạt động. DMD là một trong những bệnh lý về cơ do di truyền thường gặp nhất có tần suất mắc bệnh vào khoảng 1/3.500 trẻ trai, biểu hiện lâm sàng nặng với triệu chứng yếu cơ mang tính chất tuần tiến, trẻ bị teo cơ, mất khả năng đi lại và chết trước tuổi trưởng thành do suy tim và rối loạn hô hấp. Xác định đột biến gen dystrophin có vai trò rất quan trọng trong tư vấn di truyền và chẩn đoán trước sinh, đặc biệt giúp cho liệu pháp điều trị gen. Có nhiều dạng đột biến trên gen dystrophin, trong đó thường gặp nhất là đột biến xóa đoạn gen chiếm khoảng 60 – 65%, tiếp theo đó là đột biến điểm chiếm 30 – 35 %, còn lại là đột biến lặp đoạn chiếm 5 – 10% [2,5,6]. Các phương pháp phát hiện đột biến gen bao gồm PCR, RT – PCR, MLPA, giải trình tự gen [6, 8]. Tại Việt Nam đã có nhiều công trình nghiên cứu xác định đột biến gen dystrophin nhưng hầu hết mới chỉ dừng ở mức xác định đột biến mất đoạn [1, 2], các loại đột biến khác như đột biến lặp đoạn, đột biến điểm chưa được triển khai. Vì gen dystrophin là 1 gen có cấu trúc rất dài, việc phân tích phát hiện toàn bộ các dạng đột biến gen sẽ rất tốn kém và mất thời gian nếu không đưa ra được quy trình phân tích phù hợp. Vì vậy đề tài này tiến hành với mục tiêu: Nghiên cứu Xây dựng quy trình phát hiện các dạng đột biến xóa đoạn, lặp đoạn và đột biến điểm trên gen dystrophin ở bệnh nhân loạn dưỡng cơ Duchenne
Thông tin này hy vọng sẽ gợi mở cho các bạn hướng tìm kiếm và nghiên cứu hữu ích